Năm 2020, dựa trên đánh giá các yếu tố tăng trưởng bình thường, tỉnh Long An đã đề ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 9,5-9,6%. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thế giới, Việt Nam và trong tỉnh có nhiều yếu tố tác động đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh trong năm 2020 như dịch bệnh Covid-19, tình hình hạn, xâm nhập mặn kéo dài và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa, rau màu, cây ăn trái ở các huyện vùng hạ.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng, giải trí,... Riêng với Long An, mặt hàng thanh long giá cả không ổn định; các doanh nghiệp sản xuất ngành da giày, may mặc bị thiếu nguồn nguyên liệu,... và nhiều khó khăn khác.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã tổ chức những hội nghị để phân tích tình hình, dự báo các kịch bản tăng trưởng, tìm các giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An (khóa X) tổ chức hội nghị đột xuất vào sáng ngày 27-02 để tập trung thảo luận tìm giải pháp ổn định tăng trưởng kinh tế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu, các cấp, các ngành tập trung khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy năm 2020 và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Trong đó, phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, quyết liệt, chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là tình hình hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phấn đấu lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
Những lĩnh vực khác phải nỗ lực “bù đắp” vào những ngành đang gặp khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, xem đây là động lực cho sự phát triển. Tích cực hỗ trợ, giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai để triển khai nhanh các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản, tìm kiếm thị trường mới để hạn chế bị ảnh hưởng khi thị trường chính gặp khó khăn.
Thường xuyên theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn để chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai, hỗ trợ, bảo vệ sản xuất. Theo dõi chặt chẽ, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tập trung thực hiện Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong hoàn cảnh khó khăn này, cần sự quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, thi đua làm việc, lao động, sản xuất của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Một khi có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả thì khó khăn, thách thức nào cũng vượt qua./.
Tân An