Tiếng Việt | English

27/02/2020 - 10:05

Thầm lặng “tầm thuốc”

Chưa một lần khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, chưa từng được gọi là thầy thuốc nhưng những người “tầm thuốc” vẫn ngày ngày gắn bó với công việc thầm lặng để cung cấp nguồn thuốc Nam cho các phòng khám y học cổ truyền. Họ đến với công việc vì cái tâm và mong muốn góp sức mình để mang lại sức khỏe cho người bệnh. Có dịp đến các phòng khám y học cổ truyền từ thiện mới cảm nhận hết tấm lòng của những người làm việc nơi đây. Ngoài các lương y trực tiếp chẩn trị và hốt thuốc, còn có nhiều người tham gia tìm cây thuốc, phơi khô, chặt nhỏ, phân loại,… Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được vì đòi hỏi phải có cái tâm, biết nghĩ đến người khác. Đó là chị công nhân ban ngày miệt mài bên chiếc máy may nhưng tối đến lại đến phòng khám tham gia chặt, phân loại cây thuốc; hay đó là chú xe ôm, chị bán vé số những lúc rảnh rỗi lại đi tìm cây thuốc mang về phòng khám. Họ chưa từng học qua trường lớp về ngành y, họ cũng không biết cách chẩn trị. Những “bài học” về cây thuốc Nam được truyền miệng từ người này sang người kia như cây mã đề có thể chữa lành vết thương, giải độc; cây địa liền giúp tiêu hóa, ngâm rượu xoa bóp; sả chữa đau bụng, giải cảm,… Và từ những “bài học” đó, họ tìm nhiều loại dược liệu mang về. Có người từng là bệnh nhân được các lương y trị khỏi bệnh sau đó gắn bó với phòng khám để “tầm thuốc”; có người dành thời gian rảnh đến hỗ trợ với mong muốn góp chút sức chữa bệnh cho người nghèo.

Không thể đếm hết có bao nhiêu người đến với các phòng khám y học cổ truyền từ thiện, chỉ biết rằng, các lương y nơi đây ngày ngày vẫn khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân và phía sau đó là biết bao tấm lòng nghĩ về người khác, miệt mài với công việc “tầm thuốc”. Vì sao họ có thể đến với công việc vất vả mà không có tiền công? Vì họ có một tấm lòng nghĩ đến bệnh nhân nghèo và vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.

Quỳnh Lam

 

Chia sẻ bài viết