Tiếng Việt | English

10/05/2016 - 14:17

Dự án Heifer thay đổi cuộc sống các hộ nghèo

Từ bò giống được hỗ trợ qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện của Heifer, nhiều hộ nông dân ở xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thoát nghèo bền vững; một số hộ vươn lên có thu nhập khá.


Nông dân Nguyễn Văn Mến bên đàn bò của gia đình

Nông dân thoát nghèo bền vững

Năm 2011, dự án Nâng cao năng lực nông hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện của Heifer được Ban dự án phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện tại 3 xã: Mỹ An, Mỹ Thạnh và Bình Thạnh. Trong đó, Mỹ An là 1 trong 3 xã điểm được triển khai thực hiện và khẳng định hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn được dự án hỗ trợ bò giống đến nay vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Mến, ngụ ấp 2, xã Mỹ An cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi thuộc diện khó khăn, cố gắng mấy cũng chỉ đủ cái ăn, không có tích lũy. Tháng 5-2011, gia đình tôi là một trong số các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong xã được dự án hỗ trợ 1 con bò giống lai Sind. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn do tổ chức thực hiện. Từ sự hỗ trợ của dự án, đến nay, bò mẹ ban đầu sinh sản 3 lần, cộng với kinh nghiệm tích lũy được, gia đình tôi còn mạnh dạn mua thêm bò, nâng tổng số bò của gia đình lên 5 con, trong đó, 1 con đang mang thai. Đồng thời, gia đình tôi hoàn trả bò cho dự án để tiếp tục hỗ trợ những hộ khó khăn khác”.

Gia đình ông Lê Văn Tám, ngụ ấp 3, xã Mỹ An cũng khẳng định, đây là mô hình rất hay, mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo, những hộ còn gặp nhiều khó khăn. Với 1 bò giống từ dự án, sau 3 năm nuôi, gia đình ông hoàn trả lại bò cho dự án và tiếp tục phát triển đàn bò của mình. Ông cho biết: “Đến nay, 3 con bò nhà tôi đang mang thai và sẽ sinh vào giữa năm, tính nhẩm cũng thấy hiệu quả kinh tế tương đương với việc canh tác 1ha lúa mà không tốn nhiều công chăm sóc, lại có giá trị bền vững”.

Hiệu quả nối tiếp

Tham gia vào dự án, mỗi hộ dân khi nhận được bò giống lai Sind, sau 3 năm nuôi sẽ hoàn trả cho dự án 1 bò cái con trọng lượng tương đương với bò ban đầu. Chính vì thế, sức lan tỏa của dự án không chỉ dừng lại ở mức ban đầu mà ngày càng nhân rộng theo cấp số cộng. Bên cạnh đó, các hộ dân còn được dự án hỗ trợ vốn vay 2 triệu đồng để chăn nuôi, trồng rau màu trong thời gian từ 12-24 tháng.

Đánh giá về dự án Heifer của Hội Nông dân xã Mỹ An thời gian qua, Chủ tịch Hội Nông dân xã - Đoàn Văn Trọn cho biết: “Đến thời điểm này, hiệu quả từ dự án mang lại rất thiết thực. Đa số những hộ nhận bò giống ban đầu đã hoàn trả bò lại cho dự án. Dự án, giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn có cuộc sống ổn định hơn. Nhiều hộ vươn lên có thu nhập khá”.

Đến nay, xã thành lập được 3 nhóm với 30 thành viên. Từ dự án cho thấy, việc chăn nuôi bò không khó, chỉ cần người dân chịu khó học hỏi kỹ thuật, chủ động tiêm phòng định kỳ và tận dụng nguồn thức ăn từ rơm rạ có sẵn. Đồng thời, với những khoảng đất trống, người dân có thể trồng cỏ tạo thêm nguồn thức ăn phong phú, giúp bò phát triển nhanh, khỏe mạnh.

Hiện huyện Thủ Thừa đang quản lý 16 nhóm với 287 thành viên, tập trung ở các xã: Mỹ An, Mỹ Thạnh, Bình Thạnh, Mỹ Lạc và Tân Thành tham gia dự án. Đến nay, số bò chuyển giao cho dự án là 121 con, hiện đang trong giai đoạn sinh sản, phát triển tốt.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Như cho biết: “Với dự án Nâng cao năng lực nông hộ thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện của Heifer giúp người dân phát triển kinh tế, như chiếc phao cứu cánh cho những hộ nghèo, khó khăn có hướng phát triển mới. Nhận thức của người dân trong sản xuất, chăn nuôi, tính đoàn kết cộng đồng được nâng lên rõ nét. Dự án còn góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của địa phương, giúp các hộ nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững”./.

Trúc Phương

Chia sẻ bài viết