Tiếng Việt | English

31/05/2018 - 01:05

Dự phòng ung thư cổ tử cung

Mỗi năm, trên thế giới có gần 500.000 người mắc ung thư cổ tử cung (UTCTC), trên 270.000 trường hợp tử vong. Riêng nước ta, hàng năm, có trên 5.000 trường hợp mắc UTCTC và mỗi ngày có 9 phụ nữ tử vong do UTCTC. Để biết thêm thông tin về việc dự phòng và kiểm soát UTCTC, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - THS.BS. Võ Thị Định.

Dự phòng ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV

Dự phòng ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV

PV: UTCTC là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ. Vậy bệnh UTCTC là gì, thưa bác sĩ?

THS.BS. Võ Thị Định: UTCTC là ung thư ở phần dưới của tử cung hay còn gọi là dạ con, chỗ nối với âm đạo. Đây là bệnh lý ác tính, thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi. Tại Việt Nam, UTCTC xếp thứ tư trong các loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và đứng hàng thứ hai trong các loại ung thư hệ sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong, chỉ sau ung thư vú.

Cứ khoảng 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc UTCTC, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận, hơn nữa, khi phát hiện tổn thương tiền ung thư thì chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.

UTCTC có các đặc điểm: Khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền UTCTC tương đối dài, khoảng 10-20 năm; CTC là bộ phận có thể tiếp cận trực tiếp thăm khám, lấy bệnh phẩm và can thiệp điều trị nên đại đa số các trường hợp UTCTC có thể được phòng ngừa bằng cách sàng lọc phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư.

PV: Thưa bác sĩ, thế nào là dự phòng và kiểm soát UTCTC?

THS.BS. Võ Thị Định: Kế hoạch hành động Quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025 đề ra mục tiêu dự phòng, sàng lọc và kiểm soát UTCTC nhằm phát hiện sớm, giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong, góp phần đạt mục tiêu của Chiến lược Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Các phương pháp dự phòng và kiểm soát UTCTC được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo thực hiện, gồm:

Dự phòng cấp 1: Tuyên truyền, giáo dục nhằm giảm lối sống tình dục có nguy cơ cao, quan hệ tình dục an toàn, tránh hoặc làm giảm các yếu tố có nguy cơ khác như lập gia đình sớm, có con sớm, hút thuốc lá,...; tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV.

Dự phòng cấp 2: Phát hiện các tổn thương tiền UTCTC bằng các phương pháp: Xét nghiệm tế bào CTC, quan sát CTC bằng mắt thường với dung dịch acid acetic/Lugol, xét nghiệm HPV. Các phương pháp xử trí tổn thương tiền UTCTC như cắt bỏ tổn thương (khoét chóp) hoặc phá hủy tổn thương gồm áp lạnh, đốt điện, hóa hơi bằng laser.

Dự phòng cấp 3: Phát hiện các trường hợp UTCTC xâm lấn ở giai đoạn sớm và điều trị tại các cơ sở có đủ điều kiện, điều trị UTCTC giai đoạn tiến xa và chăm sóc giảm nhẹ.

PV: Những ai cần dự phòng UTCTC, thưa bác sĩ?

THS.BS. Võ Thị Định: Các nhóm đối tượng cần dự phòng UTCTC, gồm: Trẻ em gái trong độ tuổi học sinh THCS, THPT, dự phòng bằng cách tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV; những phụ nữ trong độ tuổi 21-65 đã quan hệ tình dục, ưu tiên phụ nữ trong độ tuổi 30-54, tùy theo nhóm tuổi, có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc UTCTC định kỳ.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, dù đã tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV nhưng vẫn phải khám phụ khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc UTCTC định kỳ.

PV: Bác sĩ có thể nói cụ thể về các yếu tố nguy cơ của UTCTC?

THS.BS. Võ Thị Định: Hầu hết trường hợp UTCTC là do Human Papilomavirus, gọi tắt là HPV gây nên. Có hơn 100 tuýp HPV, nhưng chỉ có khoảng 15 tuýp nguy cơ cao gây UTCTC, trong đó, tuýp HPV 16 và 18 là nguyên nhân gây ra hơn 70% trường hợp UTCTC.

Các yếu tố nguy cơ của UTCTC bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, sinh nhiều con, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hút thuốc lá, nhiễm HIV,...

PV: Các dấu hiệu của UTCTC là gì thưa bác sĩ?

THS.BS. Võ Thị Định: HPV lây truyền qua tiếp xúc tình dục và quan hệ tình dục, có khả năng lây lan dễ dàng. Hầu hết nam và nữ đều có thể bị nhiễm HPV. Nó âm thầm xâm nhập, phát triển trong cơ thể, sau nhiều năm có thể dẫn đến UTCTC. Hầu hết phụ nữ nhiễm HPV và bị UTCTC ở giai đoạn sớm không có biểu hiện lâm sàng.

Ở giai đoạn muộn, phụ nữ mắc UTCTC có những dấu hiệu: Ra máu sau khi quan hệ tình dục; ra máu giữa kỳ kinh nguyệt; ra máu bất thường khi đã mãn kinh; khí hư có mùi hôi, điều trị không khỏi; đau vùng chậu.

PV: Xin bác sĩ cho biết các phương pháp dự phòng và kiểm soát UTCTC đang được thực hiện tại Long An?

THS.BS. Võ Thị Định: Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các phương pháp dự phòng và kiểm soát UTCTC theo 3 cấp độ.

Dự phòng cấp 1: Thực hiện công tác truyền thông, tư vấn về dự phòng và kiểm soát UTCTC; tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Vắc-xin phòng ngừa HPV hiện được cung cấp dưới dạng vắc-xin dịch vụ cho trẻ em nữ và phụ nữ trong độ tuổi 9-26 với liệu trình 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng.

Dự phòng cấp 2: Thực hiện sàng lọc UTCTC với các phương pháp như xét nghiệm tế bào CTC cổ điển hoặc nhúng dịch, quan sát CTC bằng mắt thường với dung dịch acid acetic/Lugol, xét nghiệm HPV. Lồng ghép hoạt động dự phòng cấp 2 này với các chương trình khác như làm mẹ an toàn, phòng, chống nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, phòng, chống ung thư, các bệnh không lây nhiễm,...

Dự phòng cấp 3: Chuyển tuyến trên kịp thời các trường hợp phát hiện UTCTC; cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, kiểm soát cơn đau, chăm sóc cuối đời và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân UTCTC và người nhà bệnh nhân.

Để thực hiện dự phòng và kiểm soát UTCTC, có thể đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Trung tâm Y tế dự phòng cũ), Phòng khám Sản phụ khoa - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cũ), Bệnh viện đa khoa Long An, các bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết