Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở Long An vẫn ở mức thấp, mới đạt 15,5% so với bình quân chung của cả nước là 45%. Tỷ lệ này thấp do công trình cấp nước của tỉnh đa số có quy mô nhỏ, lẻ.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh đầu tư những công trình cấp nước với quy mô từ trung bình trở lên với đầy đủ các hạng mục nhằm nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 20% vào cuối năm 2016.
Riêng về nước hợp vệ sinh, tỉnh đạt 94,2%, phấn đấu cuối năm 2015 đạt 94,8%, nhưng tỷ lệ này không bền vững. Nguyên nhân là một số công trình quy mô nhỏ lẻ do người dân quản lý hoặc do địa phương cấp xã quản lý, khai thác một thời gian ngắn, bị hư hỏng, trở lại tình trạng không đủ cung cấp nước phục vụ người dân.
Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường vốn đầu tư các công trình cấp nước. Cụ thể, trong tháng 10-2015, ngành đã có công văn báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề nghị kế hoạch trong năm 2016, bố trí cho ngành khoảng 128 tỉ đồng; trong đó, nguồn ngân sách của tỉnh, Trung ương khoảng 77 tỉ đồng, còn lại do người dân và địa phương đóng góp. Với số tiền trên, ngành bố trí các danh mục công trình cụ thể, tập trung ở các xã của các huyện: Đức Huệ, Tân Hưng, Thạnh Hóa và một vài công trình của vùng hạ thuộc huyện Cần Đước, Cần Giuộc.
Về chiến lược lâu dài, Long An thống nhất chủ trương cho 2 công ty lớn đầu tư công trình cấp nước tập trung để phục vụ các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc như: Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập và một phần của xã Phước Lại, vì những nơi này không có nước ngầm nên phải đầu tư quy mô lớn với mỗi công trình trên 60 tỉ đồng.
Tương tự, 4 xã của vùng hạ của huyện Cần Đước: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Phước Đông và Tân Lân không có nước ngầm và cần có những công trình tập trung ở những nơi có nước ngầm kéo về phục vụ nước hợp vệ sinh cho người dân và có phương pháp thực hiện cũng như ở huyện Cần Giuộc./.
Mỹ Tho