Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024
Phát triển mạnh dịch vụ công trực tuyến
Với quyết tâm cao, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06. Các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án cơ bản đạt những kết quả tích cực, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Kết quả thực hiện bước đầu của Đề án 06 tại tỉnh là phát triển mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, người dân có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và góp phần minh bạch hóa các giao dịch.
Đến nay, huyện Bến Lức thực hiện 14/25 thủ tục dịch vụ công thiết yếu của các ngành. Thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính đối với các ban, ngành đạt hơn 76%. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện thu nhận hơn 6.400 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD), căn cước và hơn 8.200 hồ sơ tài khoản định danh điện tử. Tính đến nay, huyện cấp gần 141.000 CCCD và căn cước, cấp hơn 91.600 tài khoản định danh điện tử,...
Theo Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9, Công an huyện vẫn tổ chức cấp căn cước và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho người dân như những ngày thường tại trụ sở Công an huyện từ 7 đến 21 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, Công an huyện còn đến công an xã hỗ trợ thực hiện cấp định danh điện tử mức độ 2.
Trong quá trình triển khai, thực hiện, để tạo sự đồng thuận cao, huyện Bến Lức đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án 06 trên hệ thống đài truyền thanh, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, các cuộc họp chi bộ, họp dân ở ấp, khu phố,...
Huyện Cần Giuộc đã triển khai 11/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. “Việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc” - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức thông tin.
Trong năm 2024, Công an huyện Cần Giuộc tiếp nhận giải quyết hơn 108.000 hồ sơ; các ngành, cơ quan khác tiếp nhận gần 19.000 hồ sơ. Số hóa hồ sơ đầu vào, đầu ra đều đạt gần 100%. Sử dụng CCCD trong khám, chữa bệnh (KCB) đạt gần 80% trở lên. 100% trường học triển khai thu học phí không dùng tiền mặt. Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng có tài khoản.
Bên cạnh đó, đến nay, huyện Cần Giuộc thu nhận hồ sơ cấp CCCD với hơn 198.600 trường hợp; hồ sơ cấp căn cước với hơn 3.200 trường hợp; tiếp nhận và trả thẻ CCCD cho hơn 178.000 trường hợp. Thu nhận gần 124.000 hồ sơ tài khoản định danh điện tử; công dân đã kích hoạt hơn 110.100 tài khoản.
Các ban, ngành, đoàn thể huyện phối hợp rà soát, làm sạch dữ liệu trẻ em hơn 30.100 trường hợp; hội viên nông dân hơn 15.200 trường hợp; cựu chiến binh hơn 1.800 trường hợp; người cao tuổi hơn 18.800 trường hợp; Hội Chữ thập đỏ hơn 2.300 trường hợp; người lao động hơn 104.800 trường hợp; người có công với cách mạng hơn 1.300 trường hợp; đồng thời, triển khai, thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06 như khám, chữa bệnh sử dụng QR code, thẻ CCCD và VNeID; nền tảng quản lý lưu trú; tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID.
Quan tâm đôn đốc thực hiện
Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ phát triển KT-XH, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, người dân hưởng ứng tham gia với tỷ lệ cao. Các cấp, các ngành và địa phương ngày càng nâng cao nhận thức và nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh, an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.
Trong quá trình thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thống nhất, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 cơ bản được bảo đảm, đúng tiến độ và đạt kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Những ngày gần đây, Đoàn kiểm tra Đề án 06 của tỉnh do Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn, kiểm tra việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 năm 2024 và tự kiểm tra an ninh, an toàn các hệ thống thông tin có kết nối với hệ thống Dữ liệu quốc gia về dân cư tại một số địa phương trong tỉnh. Qua kiểm tra, Đoàn công tác nắm những mặt tích cực, hiệu quả và cả hạn chế, khó khăn để góp ý, định hướng giải pháp tháo gỡ, thực hiện.
Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án 06 của tỉnh, Công an tỉnh đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, phần việc được giao. Qua rà soát, đến đầu tháng 8/2024, tất cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai, thực hiện thông báo lưu trú tại cơ sở KCB. Toàn tỉnh có 50 cơ sở KCB đăng ký tài khoản phần mềm ASM (phần mềm thông báo lưu trú).
Trong đó, có 24 cơ sở KCB thông báo lưu trú cho người đến điều trị nội trú với gần 25.000 lượt. Kết quả thông báo lưu trú tại cơ sở KCB nêu trên còn chậm. Vì vậy, từ đầu tháng 8/2024, Đại tá Trần Văn Hà đã có văn bản đề nghị ngành Y tế và các địa phương quan tâm đẩy mạnh triển khai, thực hiện nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở KCB.
Nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục những nhiệm vụ còn tồn tại, gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện, gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út tiếp tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao của Đề án 06; nhất là các nhiệm vụ liên quan đến nhóm tiện ích về giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến./.
Lê Đức