Huyện Đức Hòa đang thực hiện giải phóng mặt bằng gần 100 dự án
Đang thực hiện giải phóng mặt bằng 97 dự án
Bồi thường, GPMB, TĐC là một trong các chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện Đức Hòa. Huyện thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc; phối hợp vận động, thuyết phục người bị thu hồi đất sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nhiều công trình, DA được bàn giao mặt bằng sớm, hoàn thành, đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) cho biết: "Người dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc thu hồi đất làm DA. Khi có quyết định thu hồi, gia đình tôi nhanh chóng bàn giao đất. Chúng tôi chỉ kiến nghị địa phương nên lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực, tránh việc chậm triển khai, ảnh hưởng đến công việc chung, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần phải có kế hoạch, giải pháp kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư trong quá trình làm DA để sớm đưa công trình vào sử dụng theo đúng như mục đích, góp phần vào sự phát triển của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân".
Còn bà Trần Thị Hằng (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) cho biết: "Đối với việc Nhà nước thu hồi đất làm DA, gia đình đồng tình, ủng hộ. Chúng tôi có hơn 500m2 đất thuộc DA trong Khu công nghiệp Hựu Thạnh và bàn giao để làm, hy vọng DA sẽ sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Chúng tôi mong muốn khi thu hồi đất, địa phương cần tính toán bảo đảm quyền lợi cho người dân, lựa chọn nhà đầu tư có tâm, có tầm để thực hiện DA, tránh tình trạng kéo dài, gây bức xúc trong dư luận".
Theo Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định công tác bồi thường, GPMB, TĐC là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, tác động đến sự phát triển KT-XH của địa phương. Lãnh đạo huyện tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện hiệu quả công tác này. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang thực hiện GPMB 97 DA. Trong đó, 17 DA đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, 80 DA vốn ngoài ngân sách, gồm: 12 dự án khu công nghiệp, 12 dự án cụm công nghiệp, 48 dự án khu dân cư, TĐC, nhà ở công nhân, 25 dự án đầu tư khác (trường học, đường dây điện, trạm điện, đường giao thông,...). Tổng diện tích thu hồi 6.112,87ha, 18.907 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng tất cả DA đang triển khai, thực hiện. Kết quả thực hiện Kết luận 720-KL/TU, ngày 29-3-2019 đến nay trên địa bàn, huyện Đức Hòa GPMB được tổng diện tích trên 612ha với 2.694 hộ, số tiền trên 5.600 tỉ đồng.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy cho đến nay, huyện tổ chức kiểm đếm thực địa đất và tài sản trên đất được 4 DA với hơn 400 hộ, diện tích hơn 50ha; tổ chức chi trả tiền bồi thường đất và tài sản trên đất 16 DA cho 187 hộ, diện tích gần 35ha, số tiền bồi thường hơn 673 tỉ đồng.
Công khai, minh bạch chủ trương, tiến độ các dự án
Bên cạnh một số kết quả, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế nhất định. Để nâng cao hiệu quả công tác, huyện Đức Hòa xác định thời gian tới quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi sâu sát, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng DA; quán triệt đến cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao vai trò gương mẫu, tiên phong đi đầu trong công tác kê biên, GPMB. Hàng tháng, đơn vị kê biên, bồi thường phải xây dựng được kế hoạch cụ thể cho từng DA. Nâng cao vai trò của UBMTTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện, phối hợp chặt chẽ chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Vận động, thuyết phục cán bộ, hội viên, đoàn viên và người dân hiểu, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác GPMB hay giám sát khi thực hiện các quy định của pháp luật về công tác GPMB.
Địa phương tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề về chính sách trong thu hồi đất. Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm từng thành viên Hội đồng kê biên, bồi thường trong công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc các vấn đề phát sinh. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí nhân lực có năng lực, trình độ, trách nhiệm làm công tác GPMB.
Đức Hòa tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch chủ trương, tiến độ thực hiện các DA. Nâng cao công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại của người bị thu hồi đất; thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân để kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân để lãnh đạo giải quyết ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài gây bức xúc cho người dân. Huyện chủ động lãnh đạo thực hiện DA tạo quỹ đất sạch để làm khu TĐC và khu cải táng mồ mả trong diện tích đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận của người dân.
Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy thông tin: Hiện nay, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn gặp khó khăn: Một số DA có sử dụng đất trồng lúa diện tích trên 10ha phải xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Chính phủ; huyện gặp khó trong việc xây dựng phương án và thực hiện khu TĐC. Về đơn giá bồi thường, một số chính sách chưa phù hợp; một số chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường trong triển khai, thực hiện DA, chậm chuyển trả tiền, làm chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, gây bức xúc đối với các hộ đã đồng ý nhận tiền theo phương án được duyệt;... Trên cơ sở đó, huyện kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét, điều chỉnh Luật Đất đai theo hướng giao HĐND cấp tỉnh xem xét đối với DA có sử dụng đất trồng lúa không giới hạn diện tích hoặc tăng diện tích đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Kiến nghị các ngành tỉnh quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của cấp tỉnh, huyện trong việc xây dựng phương án TĐC, xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức bố trí TĐC, thu tiền và cấp giấy cho người được TĐC. Tỉnh cần xem xét, điều chỉnh một số chính sách cho phù hợp với thực tế.
Để đơn giá bồi thường các DA được ổn định, tạo thuận lợi trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC, huyện kiến nghị các ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng khung giá trần theo địa giới hành chính cấp xã hoặc theo khu vực có mức phát triển tương đồng, qua đó kiềm chế việc tăng nóng giá đất tại các khu vực có DA. Đồng thời, huyện kiến nghị các ngành tỉnh thẩm định năng lực tài chính của các chủ đầu tư trước khi tiếp nhận DA để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả kịp thời cho người dân trong DA có đất bị thu hồi.
Về quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó trên địa bàn huyện Đức Hòa được quy hoạch 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.192,17ha, trong đó có 5 khu công nghiệp đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng, đang hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn huyện được quy hoạch 20 cụm công nghiệp với diện tích 994,6ha; trong đó có 10 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng, đang hoạt động; 8 cụm công nghiệp đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, 2 cụm công nghiệp được bổ sung mới chưa có nhà đầu tư. Sở Công Thương đang chủ trì rà soát, hoàn chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh./.
Hiện nay, trên địa bàn huyện thực hiện công tác GPMB 97 DA. Trong đó: 17 DA đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, 80 DA vốn ngoài ngân sách, gồm: 12 DA khu công nghiệp, 12 DA cụm công nghiệp, 48 DA khu dân cư, TĐC, nhà ở công nhân, 25 DA đầu tư khác (trường học, đường dây điện, trạm điện, đường giao thông,...). Tổng diện thu hồi 6.112,87ha, 18.907 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng tất cả DA đang triển khai, thực hiện. Kết quả thực hiện Kết luận 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 đến nay trên địa bàn, huyện Đức Hòa GPMB được tổng diện tích trên 612ha, với 2.694 hộ, số tiền trên 5.600 tỉ đồng. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy cho đến nay, huyện đã tổ chức kiểm đếm thực địa đất và tài sản trên đất được 4 DA với hơn 400 hộ, diện tích hơn 50ha; tổ chức chi trả tiền bồi thường đất và tài sản trên đất 16 DA cho 187 hộ, diện tích gần 35ha, số tiền bồi thường hơn 673 tỉ đồng. |
Sơn Quê