Trong rất nhiều trường hợp, người phản bội bạn lại chính là những người gần gũi, thân thiết nhất Người ta dễ phản bội vì những người thân quen, gần gũi Đừng bao giờ để "lửa gần rơm"...
Đừng ảo tưởng hạnh phúc làm người thứ ba Kết đắng của người thứ ba
Chị Thủy và chị Hằng là đôi bạn thân từ thuở nhỏ. Cùng cảnh làm mẹ đơn thân nuôi con, hai người thường xuyên chia sẻ, và hầu như không giấu nhau chuyện gì. Không chỉ là bạn, họ còn là chỗ dựa tinh thần của nhau. Những lúc khó khăn, những khi buồn rầu hay có chuyện gì vui họ đều ở bên nhau. Sự thấu hiểu, quan tâm của họ dành cho nhau đã đến mức có thể gọi nhau là tri kỉ.
Đến khi chị Thủy có bạn trai, biết anh ở gần nhà chị Hằng nên chị giới thiệu bạn trai với bạn thân, với tất cả lòng tin vào tình bạn mấy chục năm, với tất cả lòng tin vào sự chính trực của con người. Rồi một ngày, chị nhận ra mình là kẻ thừa ra trong mối quan hệ ba người. Chua xót vì người yêu phản bội một, thì chị cay đắng mười lần vì người bạn mà chị hết lòng tin cậy, chỉ biết tự trách mình vì đã quá cả tin.
Ảnh minh họa
Anh Trần cũng có người bạn thân từ thuở sinh viên, hai người đã từng nhường nhau từng gói mì, chia nhau những đồng xu cuối cùng trong những ngày gian khó. Anh may mắn tìm được việc làm tốt ngay sau khi ra trường, rồi lập gia đình, có cuộc sống ổn định sớm hơn bạn. Anh đưa bạn từ miền Trung vào Nam, giúp bạn xin việc làm; anh đưa bạn về nhà ở, hết lòng lo lắng cho bạn những ngày bạn mới vào. Khi sự nghiệp của bạn ổn định rồi, anh lại tìm cách mối mai để kiếm vợ cho bạn. Việc này chưa xong, thì anh đã phải ngã ngửa ra vì khám phá một sự thật chua chát: người bạn ấy đã qua lại với chính vợ mình.
Những câu chuyện trên không phải là cá biệt. Thực tế là, trong rất nhiều trường hợp, người phản bội bạn lại chính là những người gần gũi, thân thiết nhất. Điều khiến người ta băn khoăn, là tại sao sự lạc lòng lại diễn ra nơi những người mình tin cậy nhất? Để tránh xảy ra những chuyện như vậy, người trong cuộc phải hành xử như thế nào?
Người ta dễ phản bội vì những người thân quen, gần gũi, chính vì cái hoàn cảnh thân thiết nó tạo nên sự thân mật. Sự thân thiết ấy nó làm mất đi tâm lí cảnh giác, phòng ngừa như đối với người lạ, ở tất cả những người trong cuộc. Người thì quá tin vào sự chung thủy của người yêu/bạn đời, quá tin vào sự trung thành của bạn bè, người thân. Người thì quá tin vào sự vững vàng của lòng mình, mà không biết rằng, cảm tình như tằm ăn dâu, nó sẽ dần dần dẫn đến cảm xúc, cảm xúc dần dần lớn lên dẫn đến bùng nổ, vượt rào.
Ảnh minh họa
Sự mù quáng của cảm xúc, khi nó khởi lên là vô cùng mãnh liệt. Nó có thể che mờ lý trí, khiến người ta mất khôn, bất chấp phải trái, bất chấp đạo lý. Khi ấy, người ta sẽ phản bội lòng tin, phản bội tình thâm giao, phản bội tình tri kỉ. Khi ấy, người ta bất chấp nỗi đau, sự tổn thương có thể gây ra cho những người đã tin cậy mình, đã gắn bó với mình bằng mối thâm tình.
Sự lạc lòng ấy tưởng như chỉ xảy ra trong đôi phút ngã lòng, nhưng thực ra nó có ngọn nguồn âm ỉ từ những tiếp xúc hằng ngày, và khi bùng lên, nó sẽ như một ngọn lửa, thiêu cháy hết những gì người ta vun đắp cả đời.
Người thân thiết hay gần gũi cũng chính là người hiểu ta rõ nhất, biết rõ nhất chỗ yếu trong mối quan hệ giữa hai người. Bởi vậy, khi họ có tâm ý xen vào mối quan hệ của hai người, thì họ hoàn toàn có thể lợi dụng chỗ yếu đó để làm lợi thế cho mình. Kể cả khi họ không có ý đồ xấu, thì hoàn cảnh sẽ tạo ra những tiếp xúc thân mật, đó là điều kiện tốt để cảm xúc nảy sinh, ham muốn vượt rào trỗi dậy. Từ ham muốn đến hành động phản bội chỉ cách nhau có một ranh giới mong manh. Một khi sự tỉnh táo mất đi, người ta sẽ bất chấp tất cả.
Cảm giác bị cấm đoán cũng khiến cho sự tò mò, khao khát càng mạnh mẽ, nó chi phối cảm xúc và suy nghĩ của người ta, và nó sẽ thúc đẩy hành động khi có dịp.
Ảnh minh họa
Những câu chuyện trớ trêu ấy nhắc nhở người trong cuộc: đừng nên quá tin vào sự kiên định của lòng người khi phải đối mặt với thử thách của cảm xúc, đừng để lửa gần rơm. Có một câu nói rất hay: lòng người ta là giấy, chứ không phải là vàng đá, vậy nên đừng đem lửa mà thử lòng người. Chua chát lắm, nhưng nó là sự thực. Trong tình yêu, trong hôn nhân, sự cảnh giác đối với những người gần gũi, thân thiết là không bao giờ thừa. Tục ngữ có câu "Tin bợm mất bò, tin bạn mất vợ nằm co một mình" chính là để nhắc nhở điều này.
Luôn luôn cảnh giác, ngăn ngừa trước những mối quan hệ kiểu "lửa gần rơm". Không được tạo ra những kẽ hở, những điều kiện thuận lợi để người thứ ba có thể xen vào. Không được coi thường sự tác động của hoàn cảnh. Và nhất là, phải luôn củng cố mối liên hệ vợ chồng/người yêu, sao cho tình cảm luôn mặn nồng gắn bó. Quan tâm không bao giờ là đủ, yêu thương không bao giờ là quá nhiều./.
nld.com.vn(thegioitiepthi.vn)