Tiếng Việt | English

02/08/2023 - 08:42

Đừng để mất đi 'điểm tựa' lúc về già

Năm 2023, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, số lao động (LĐ) bị giảm giờ làm, mất việc làm, giảm thu nhập,… tăng. Để xoay xở, trang trải cuộc sống, nhiều LĐ đăng ký rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Tình trạng này không phải mới xảy ra bởi từ sau đại dịch Covid-19, công nhân, LĐ rơi vào cảnh khó khăn và lúc này, số tiền tham gia BHXH được “nhắm đến”.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quí II/2023, cả nước có trên 357.500 LĐ nộp hồ sơ đề nghị rút BHXH một lần và hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 1,5 lần so với quí I). Trong đó, LĐ làm hồ sơ hưởng phần lớn không có bằng cấp, chiếm gần 69%; tiếp đến là nhóm có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng 5,8%, trung cấp 5,4%, sơ cấp 6,8%.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, có gần 4,85 triệu LĐ rời bỏ hệ thống an sinh, trong số này có 1,3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; 3,5 triệu LĐ chưa quay trở lại hệ thống an sinh; 907.000 LĐ rút 2 lượt và có trên 61.000 LĐ rút 3 lượt. Khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ người rút BHXH một lần khá cao, chiếm 60% số người rút BHXH một lần trong cả nước.

Tình trạng rút BHXH một lần dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Điều đáng nói là một số LĐ không rơi vào cảnh khó khăn nhưng vẫn rút BHXH vì nếu tiếp tục tham gia đủ 20 năm sẽ không được rút BHXH một lần. Suy nghĩ này xuất phát từ quy định người LĐ sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng sẽ được nhận BHXH một lần. Người LĐ đưa ra nhiều lý do để rút BHXH một lần dẫu biết rằng nếu tiếp tục tham gia thì BHXH chính là “điểm tựa” bảo đảm cuộc sống cho chính mình khi hết tuổi LĐ. Lý do được nhiều người đưa ra nhất là rút BHXH một lần để gửi vào ngân hàng sẽ có lợi hơn để trong quỹ chờ lương hưu. Nhưng thực tế, ít ai có thể để số tiền đó trong ngân hàng trong khi có nhiều việc cần chi tiêu.

Theo các nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới, phần lớn người rút BHXH sẽ sử dụng hết số tiền nhận một lần trong vòng 3 năm. Mặt khác, tiền lãi từ số tiền gửi ngân hàng không đủ để bảo đảm cuộc sống. Chẳng hạn, một LĐ làm việc hơn 15 năm nếu rút BHXH một lần được 200 triệu đồng, gửi ngân hàng thì tiền lãi nhận được hàng tháng khoảng 1 triệu đồng, còn nếu tiếp tục tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, khi hết tuổi LĐ có thể nhận mức lương hưu 5-6 triệu đồng/tháng (tùy vào số tiền và số năm tham gia BHXH).

Có người cho rằng gửi ngân hàng ngoài tiền lãi hàng tháng thì vẫn bảo tồn được tiền vốn gửi vào nhưng nếu so sánh giữa 1 triệu đồng lãi ngân hàng hàng tháng với 5-6 triệu đồng lương hưu hàng tháng thì rõ ràng việc tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu sẽ có lợi hơn.

Ví dụ, với mức lương hưu 5 triệu đồng/tháng, người LĐ chỉ sử dụng 1 triệu đồng bằng với số tiền lãi ngân hàng và tích lũy 4 triệu đồng thì sau 4 năm đã tích lũy được gần 200 triệu đồng bằng với số tiền vốn gửi ngân hàng.

Việt Nam đang nỗ lực phủ lưới an sinh theo mục tiêu Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, nước ta tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Phấn đấu đến năm 2030, đạt khoảng 60% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và LĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng LĐ trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Rút BHXH một lần có thể giúp người LĐ giải quyết được những khó khăn trước mắt nhưng hậu quả về lâu dài là rất lớn vì mất đi “điểm tựa” an sinh khi hết tuổi LĐ, trở thành gánh nặng cho con cháu. Để có cuộc sống ổn định lúc về già cần bảo đảm nguồn tài chính, trong đó, lương hưu là “điểm tựa” quan trọng. Do vậy, người LĐ cần cân nhắc kỹ, nên tiếp tục tham gia BHXH để có cuộc sống ổn định hơn khi hết tuổi LĐ và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật BHXH theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần khi còn trong tuổi lao động. Tham gia BHXH chính là bảo đảm an sinh khi về già./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết