Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết: "Công nhân sức đâu mà làm đến 60 - 62 tuổi?" và nhận được sự ủng hộ của bạn đọc. Một bạn đọc tên Huy nhận xét: "Tôi rất đồng tình và ủng hộ những ý kiến của người lao động đưa ra, nút thắt ở đây là tuổi nghỉ hưu chứ không phải là số năm đóng bhxh. Không thể cào bằng giữa người lao động trực tiếp với người lao động gián tiếp, người làm văn phòng bàn giấy họ có thể làm tới 70 tuổi, còn người làm việc trực tiếp ngoài công trường, nhà máy thì 60 tuổi không còn sức để thở chứ đừng nói đến làm việc. Rất mong các cơ quan chức năng, chính phủ, và nhà nước quan tâm".
Bạn đọc Trần Đạt nhận xét: "Tôi thấy tăng số năm đóng BHXH lên 35 năm mới được hưởng 75% lương đóng chia trung bình cho thời gian đóng là không hợp lý.62 tuổi mới cho hưởng hưu trong khi phải đóng 35 năm bảo hiểm. Vòng đời lao động đã đóng 30 là hết đời người lao động rồi...". Bạn đọc Trần Văn Ngọc góp ý: "Nên giảm tuổi nghỉ hưu, nam là 55 tuồi nghỉ, nữ là 50 tuổi nghỉ và chốt 20 năm công tác là nghỉ hưu được rồi. Mức trần thâm niên công tác nên quy định nam 30 năm, nữ 25 năm tương ứng với 75% lương hưu. Người nào nghỉ sớm sẽ trừ % theo tỷ lệ thuận với mốc cao nhất là 75% lương hưu. Hiện tại tuổi thọ bình quân người Việt Nam là 73,6 tuổi, vậy nên bãi bỏ quy định về hưu lúc 62 tuổi vì bất hợp lý vì tôi cho rằng người lao động làm việc trên 30 năm và chỉ hưởng hưu trí 11,6 năm là mất".
Theo nhiều bạn đọc, cần thiết lập độ tuổi nghỉ hưu theo từng ngành nghề công việc làm, chứ cào bằng như vậy thì không ổn. "Tôi là kỹ sư xây dựng nhưng có lẽ cũng chỉ làm được đến ngoài 50 tuổi là không thể làm được rồi, mà nhà tuyển dụng họ cũng không còn tuyển dụng nữa vì mắt mờ chân chậm rồi, sao còn theo nghề được nữa"– một bạn đọc viết.
Bạn đọc Phạm Vương Kim Phụng phân tích: "Không riêng gì tôi, đây là ý kiến chung của hầu hết công nhân, khi nghe tuổi nghỉ hưu tăng là thấy nản muốn rút BHXH 1 lần, vì lao động trong các xí nghiệp hiện nay cứ khoảng 45 - 50 tuổi là doanh nghiệp tìm cách sa thải rồi, khó mà đi xin việc được nơi khác vì tuổi này ít nơi nào nhận. Đó là lý do người lao động muốn rút BHXH 1 lần, dù qui định có giảm xuống 15 năm thì người lao động cũng chờ gần tới 15 năm nghỉ để rút 1 lần. Nếu giảm tuổi hưu xuống còn 55 tuổi thì mới giải quyết được tình trạng rút BHXH 1 lần ồ ạt như hiện nay".
Bạn đọc Nguyễn Đình Đua bày tỏ: "Theo tôi người lao động nữ đóng 30 năm nam đóng 35 năm là được nghỉ hưu ai còn sức khỏe thì tiếp tục tham gia và khi về hưu được trả những năm đã đóng dư". Với bạn đọc Nguyễn Mạnh Kim, ai đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít. "Ai muốn nghỉ hưu sớm cũng được, tính trên tỉ lệ % năm đóng và nếu cần khống chế luôn số năm được hưởng. Vì nói thật tầm 60 mà hưởng lương hưu thì sống được mấy năm nữa đâu" –bạn đọc này nói.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Diệp Khoa chia sẻ: "Một quy luật rất đơn giản, muốn làm việc lâu bền phải có sức khỏe, muốn có sức khỏe phải ăn uống đủ chất, thực phẩm phải sạch, môi trường sống phải sạch và mức lương có đủ đáp ứng không. Chừng nào người dân, người lao động được hưởng những nhu cầu thiết yếu đó thì mới nghĩ đến tăng tuổi hưu trí".
Theo bạn đọc Hứa Minh Tuấn, lương hưu nên phân làm 2 nhóm. Một nhóm lao động bình thường thời gian từ 20 năm là được lãnh lương hưu. Nếu vẫn đóng tiếp thì tăng tỉ lệ lương theo năm đóng. không bắt buộc đến tuổi nghỉ hưu mới được lãnh. Nhóm 2: Người làm việc nặng nhọc, độc hại, hao tổn sức khỏe thì 10-15 năm là được lãnh lương hưu với 1 tỉ lệ theo năm x hệ số độc hại. nếu vẫn đóng tiếp thì tăng tỉ lệ theo năm. Như vậy sẽ không ai rút một lần vì mọi người không ai muốn rút 1 lần nếu có 1 khoản thu nhập hàng tháng. Nhà nước cần xem hỗ trợ từ nguồn thuế thu nhập để bổ sung nguồn BHXH xem như là một cách phân phối lại thu nhập giữa người giàu và người nghèo.
Một bạn đọc giấu tên thắc mắc: "Tại sao khống chế lương hưu không quá 75% mức đóng bảo hiểm trung bình của người lao động. Vượt quá thì 1 năm được chi trả 0,5 tháng Như vậy có khuyến khích không, đặc biệt thời gian tham gia lực lượng vũ trang sau đó chuyển ngành, thừa năm bảo hiểm nhung mức trung bình đóng thiếu vì thời gian ở lực lượng vũ trang không đóng BHXH, nhưng lại tính số năm đóng BHXH? Các nhà làm luật xem xét lại nguyên tắc đảm bảo sự công bằng"./.
Một bạn đọc giấu tên đặt câu hỏi: "Cơ quan soạn thảo lập luận rằng tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn" tức là khoảng 45, 47 tuổi mới tham gia. Vậy xin hỏi có thống kê được số người tham gia BHXH muộn hay không? Số người tham gia muộn chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trên hệ thống? Muốn thuyết phục được mọi người đồng thuận cần phải có số liệu so sánh để nhìn vào ai cũng thấy được tính ưu việt của dự thảo". |
An Chi (Theo Người Lao Động)