Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được trong 1 lần khảo sát, kiểm tra tiến độ công trình Đường tỉnh 830 năm 2019
Kết nối 4 huyện trong vùng kinh tế trọng điểm
Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ của miền Tây và cầu nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An đang vươn mình bứt phá và khẳng định vị thế của một tỉnh phát triển năng động. Tiếp giáp TP.HCM, địa phương đầu tàu dẫn dắt kinh tế của vùng, tạo cho Long An những lợi thế riêng trong phát triển. Nhận thấy tiềm năng to lớn đó, những năm qua, 4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc được chọn để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ và là những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Nhiều nhiệm kỳ trước, việc ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông cũng được tỉnh chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh của công nghiệp, nhiều công trình trong số đó đã có sự bất cập, không còn đáp ứng yêu cầu phát triển khi xương sống của hệ thống giao thông tỉnh nhà phụ thuộc và 3 tuyến quốc lộ (QL) gồm QL1, N2, QL62 và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cùng một số tuyến đường tỉnh. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư. Chính vì điều đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là 1 trong 2 chương trình đột phá. Song song đó, đại hội cũng xác định 3 công trình trọng điểm gồm: Đường tỉnh 830, Đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM.
Theo Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy, mặc dù là địa phương đầu tàu trong phát triển công nghiệp của tỉnh nhưng trước đây, vì hạ tầng giao thông còn yếu, hầu hết doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn thường chọn các khu công nghiệp tiếp giáp với TP.HCM và hàng hóa cũng theo tuyến TP.HCM để đi Cảng Cát Lái trước khi xuất sang các nước khác. Trong khi đó, việc vận chuyển hàng hóa tới Cảng Cát Lái cũng gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng kẹt xe ở đô thị lớn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bằng việc huy động các nguồn lực thực hiện chương trình đột phá và công trình trọng điểm của tỉnh về giao thông đã làm thay đổi hoàn toàn mạng lưới giao thông trong huyện. Những tuyến đường huyết mạch nối các khu, cụm công nghiệp tại huyện Đức Hòa được nâng cấp, mở rộng, nhất là hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến Đường tỉnh (ĐT) 830 đã hình thành mối liên kết về giao thông giữa 4 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp đến QL1, đường cao tốc TP.HCM và Cảng Quốc tế Long An. Từ đó, tạo ra sức bật mới trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên cả 4 huyện.
Ngoài ra, việc xác định đầu tư các công trình trọng điểm và chương trình đột phá về giao thông đã dần gỡ được nút thắt về năng lực vận chuyển hàng hóa, liên kết vùng cũng như hoàn thiện bức tranh giao thông tỉnh nhà, tạo dấu ấn đột phá trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Nỗ lực hoàn thành công trình
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Minh Hậu, trong số 3 công trình trọng điểm, đến nay, công trình ĐT830 cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch, góp phần kết nối 4 huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh với Cảng Quốc tế Long An. Đây là công trình mang ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, ngoài đoạn từ thị trấn Đức Hòa đến thị trấn Bến Lức được đầu tư theo hình thức BOT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018 thì đến nay, đoạn từ QL1 đến Cảng Quốc tế Long An, các đơn vị thi công cũng gấp rút hoàn thành, trong đó, đoạn từ QL1 đến QL50 đang thực hiện giai đoạn 2. Theo thiết kế, sau khi hoàn thành giai đoạn 2, ĐT830 đạt chuẩn đường cấp III với quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 14 mét, nền đường rộng 18,5 mét có dải phân cách, bảo đảm vận tốc thiết kế 80km/h. Còn đoạn từ QL50 đến Cảng Quốc tế Long An, phân nửa đoạn đường cũng được đơn vị thi công hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Long An huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu và đánh thức tiềm năng phát triển của tỉnh nhà
Có mặt tại công trường, chúng tôi nhận thấy sự khẩn trương của các đơn vị thi công. Mặc dù vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng trên các công trình, đơn vị thi công vẫn triển khai các mũi làm việc không nghỉ. Thậm chí, số lượng trang thiết bị, phương tiện cũng được huy động nhiều hơn so với thời điểm đầu năm 2019. Chỉ huy trưởng gói thầu số 8, Công ty Cổ phần Việt Dũng - Nguyễn Trung Trường cho biết: “Mặc dù trong điều kiện thi công gấp rút, gặp bất lợi do thời tiết nhưng tất cả cán bộ, công nhân trong đơn vị đều nỗ lực để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Hiện đơn vị đã huy động thêm các phương tiện, máy móc, trang thiết bị cũng như triển khai thêm các mũi thi công, thậm chí đơn vị cũng có kế hoạch tăng ca với mục tiêu hoàn thành công trình vào tháng 4/2020”. Còn tại gói thầu 7a, đoạn từ QL50 đến Cảng Quốc tế Long An, mặc dù mới khởi công vào cuối tháng 8/2018 và vướng mặt bằng nhưng đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc ước đạt 40% giá trị hợp đồng. Trưởng Tư vấn giám sát gói thầu - Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Trước ý nghĩa quan trọng của công trình, đơn vị nỗ lực thi công để hoàn thành theo kế hoạch. Có mặt bằng đến đâu, chúng tôi triển khai thi công đến đó. Hiện tại, đơn vị vẫn duy trì liên tục 5 mũi thi công. Với sự nỗ lực của đơn vị cũng như sự kỳ vọng của chính quyền địa phương, Liên danh Miền Trung - 559 - Phúc Lộc chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành, thông tuyến vào tháng 9/2020 như kế hoạch”.
Song song với thực hiện công trình trọng điểm ĐT830, đối với 14 công trình giao thông thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm đến nay có 8 công trình hoàn thành và đưa vào khai thác gồm ĐT825 đoạn từ N2 đến ngã tư Hậu Nghĩa, ĐT823 từ Trà Cú đến ngã tư Hậu Nghĩa, đường nối ĐT830 đến N2, đường 826B, nâng cấp ĐT824 đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cuối tuyến, ĐT825 đoạn thị trấn Đức Hòa đến ngã ba Hòa Khánh và ĐT825 đoạn từ đường Hải Sơn - Tân Đức đến Cầu Xáng; đường tỉnh 833B (đoạn từ QL1 đến sông Vàm Cỏ Ðông). 5 công trình còn lại đang được thi công hoặc triển khai các bước chuẩn bị đầu tư.
Một đoạn trên Đường tỉnh 830 (đoạn qua huyện Cần Giuộc) hoàn thiện và đưa vào sử dụng
Với việc thực hiện đồng bộ các công trình giao thông thuộc công trình trọng điểm và chương trình đột phá đã dần hoàn thiện mạng lưới giao thông trọng yếu của vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An góp phần gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đánh thức tiềm năng phát triển
Từ thị trấn Đức Hòa, ĐT830 như một vệt lụa vắt ngang qua các khu, cụm công nghiệp, dân cư đô thị xuyên suốt 4 huyện công nghiệp trọng điểm đến Cảng Quốc tế Long An ra biển lớn. Đó không chỉ là con đường mang ý nghĩa giao thông mà còn là con đường đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Theo UBND huyện Đức Hòa, trước đây, các khu, cụm công nghiệp trong huyện mặc dù đi vào hoạt động nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa cao, chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp. Mặc dù tỉnh có nhiều chính sách để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn còn e ngại vì hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ, phát sinh thêm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, đến thời điển hiện nay, huyện có 7 khu và 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Trong các khu, cụm công nghiệp thu hút trên 2.000 nhà đầu tư thứ cấp; tiến độ san lấp và đầu tư hạ tầng đạt từ 70-80% tại các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, hiện nay tại huyện Đức Hòa còn thu hút được 71 dự án khu dân cư, thương mại - dịch vụ với diện tích trên 1.500ha. Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy cho biết: “Từ việc hoàn thiện hệ thống giao thông đã giúp huyện duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu ở mức cao, trung bình giai đoạn 2015-2020 đạt trên 16%/năm, trong đó, khu vực II tăng 17%/năm, khu vực III tăng 14%/năm, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng công nghiệp - đô thị, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Điều đó còn được thể hiện qua việc thu ngân sách của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, Nếu như năm 2015, huyện thu ngân sách chỉ đạt 232 tỉ đồng thì năm 2019, thu ngân sách của huyện gấp hơn 5 lần so với năm 2015, ước đạt 1.200 tỉ đồng. Đồng thời, huyện cũng đang đón những làn sóng đầu tư phát triển đô thị để hình thành nên diện mạo mới của Đức Hòa trong tương lai”.
Còn tại Cần Giuộc, riêng năm 2019, huyện tiếp nhận mới 23 dự án với diện tích trên 800ha, khu vực Cảng Quốc tế Long An, các nhà đầu tư đang rầm rộ triển khai các dự án, hứa hẹn mang lại dấu ấn đậm nét của huyện trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Theo ước tính của huyện Cần Giuộc, năm nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt trên 17.350 tỉ đồng, tăng 19,77% so với năm 2018. “Kết quả đó cho thấy huyện Cần Giuộc ngày càng trở thành điểm nhấn trong thu hút đầu tư. Huyện cũng kỳ vọng sau khi giai đoạn 2 của dự án ĐT830 hoàn thành và đưa vào khai thác, Cần Giuộc sẽ tiếp tục cất cánh hơn nữa trong việc phát triển KT-XH” - Bí thư Huyện ủy - Phạm Văn Bốn cho biết.
Long An là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư
Song song với thúc đẩy phát triển kinh tế, ĐT830 còn là động lực thu hút phát triển dân cư, đô thị. Bí thư Chi bộ ấp Tân Chánh, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thanh vui mừng cho biết: “Trước đây, người dân trong xã chỉ đơn thuần sống bằng nghề nông, hệ thống giao thông của xã cũng rất yếu kém. Sau khi ĐT830 được xây dựng đã tạo ra những nét tươi mới cho vùng quê. Hàng loạt dự án được đầu tư trên địa bàn tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, xã cũng thu hút nhiều dự án phát triển dân cư đô thị, đổi mới bộ mặt của vùng quê”.
Những nét tươi mới mà ĐT830 - trục động lực đã tạo những tín hiệu vui trong thu hút đầu tư. Theo thống kê của tỉnh, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 1.421 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 18.672 tỉ đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 185 dự án với số vốn đăng ký 21.408 tỉ đồng và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 109 dự án vốn nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 320 triệu USD. Lũy kế đến nay có 1.910 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 216.679 tỉ đồng; 1.009 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trên địa bàn tỉnh, tổng nguồn vốn đăng ký đạt 6.166 triệu USD. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vingroup, Becamex-Vsip, Ecopark,… cũng chọn Long An làm điểm đến đầu tư. Ngoài ra, từ việc hoàn thiện hạ tầng giao thông cùng những sáng kiến đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, liên tiếp trong nhiều năm qua, tỉnh Long An luôn nằm trong tốp những địa phương có chỉ số PCI đứng đầu cả nước. Những tín hiệu vui ấy đã khẳng định được vị thế, sức hút của tỉnh Long An đối với các nhà đầu tư, tạo đà để Long An khai phá tiềm năng, thế mạnh, cất cánh vươn lên./.
Cùng với công trình Đường tỉnh 830, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, còn có 2 công trình trọng điểm khác gồm đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM. Đây đều là những công trình mang ý nghĩa chiến lược cùng rất nhiều kỳ vọng. Trong đó, công trình đường Vành đai TP.Tân An hoàn thành sẽ tạo động lực cho việc phát triển đô thị mới Tân An, khai thác hiệu quả tiềm năng để xứng tầm trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà. Còn Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM được kỳ vọng là công trình của tương lai, tạo kết nối giữa các tỉnh miền Tây và TP.HCM, giúp Long An khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương cửa ngõ phía Nam. Đến nay, công trình đường Vành đai TP.Tân An cũng chính thức khởi công xây dựng. |
Kiên Định