Tiếng Việt | English

30/07/2021 - 16:51

Đường Trường Sơn một lần đi mà nhớ

Năm 2004, Đoàn nhà báo Long An đi giao lưu với đồng nghiệp các tỉnh phía Bắc, trên đường về ghé Ngã ba Đồng Lộc và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Hai “địa chỉ đỏ” này đều có những người con ưu tú của quê hương Long An ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Một góc nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Ảnh của Thu Tứ)

Từ đó, hàng năm, cứ đến ngày 27/7, tâm thức những người đi trong đoàn vào dịp ấy lại dậy lên niềm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ mà mình đã thắp hương kính viếng, nhớ cả đường mòn Trường Sơn nay thành đại lộ Hồ Chí Minh tiến vào thời kỳ công nghiệp 4.0.

Chợt nhớ lần nhà thơ Kiên Giang đến thăm và tặng bài thơ ông sáng tác tại Khe Sanh, nhan đề Về thăm Trường Sơn, tôi đã đọc với cảm xúc của mình: “…Đã qua rồi thuở đất trời mù mịt/ Năm ngàn tám trăm lẻ bốn mươi ngày/Mười sáu năm bom xới đạn cày/Đá nát, cây rừng đổ ngã/Muôn chân thép kiên cường, hối hả/Chi viện miền Nam, giải phóng Sài Gòn…”.

Những câu thơ ngời chất thép của một cựu kháng chiến lão thành khắc họa hình ảnh các chiến sĩ ta vừa mở đường vừa đánh giặc dưới mưa bom bão đạn của Mỹ. Nào Gio Linh, Đông Hà, Cồn Tiên, nào Vĩnh Linh, thành cổ Quảng Trị,… rồi: “Ngã ba Đồng Lộc- mười cô gái kiên cường/Cùng ngã xuống cho tuyến đường mở rộng/ Đêm trăng rằm, gió rừng khuya lồng lộng/Đường nên thơ dũng sĩ hóa nàng tiên…”.

Bài thơ nhắc lại thuở từng đoàn hùng binh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu) và “Hơn hai vạn người thịt xương tan biến/Gỗ hóa trầm hương, sao trời thắp nến/Nhắc nhở ngàn sau ai nhớ ai quên/Khi đường mòn lịch sử đã mang tên/Đường Hồ Chí Minh: Con đường chống Mỹ/Đường Trường Sơn: Con đường thế kỷ…”. Thơ Kiên Giang dung dị, chân thật mà vẫn rưng rưng cảm xúc về nguồn.

Nhà văn Thu Tứ quê Quảng Nam, định cư ở Mỹ, trong chuyến về quê tháng 10/2015, đã cùng đi với Hội Điện ảnh TP.HCM viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và viết bài báo “Anh linh hiển hiện”. “…mỗi người bưng một nón lá đựng mấy bông sen tươi. Hơn 30 cái nón, hơn trăm đóa sen từ mái phố xa tít phía Nam đem tới cũng góp được chút ít sinh khí vào chốn âm phần mênh mông. Chúng tôi đem hoa và những nén hương nghi ngút khói đến từng ngôi mộ,…Đã thấy ấm áp hẳn lên, cái chỗ hàng hàng lớp lớp những khối xi măng vuông vức này”. Ông tả các tượng đài trên nghĩa trang rất “có hồn”. “Kìa, những tư thế và vẻ mặt làm ta như nghe được tiếng bom, ngửi được mùi thuốc súng(…) Chợt nghe vang vang Hát mãi khúc quân hành”.

Nhà văn Việt kiều yêu nước này đã đi thăm nhiều di tích lịch sử cách mạng và nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam. Khi thăm và chụp hình lá cờ đỏ sao vàng trên di tích cầu Hiền Lương, ông cố chụp cho được một tảng mây lạ trên trời đang bay bay trước khi chụp lá cờ Tổ quốc.

Khi về TP.HCM, chép vào máy tính, mở ra xem ảnh được phóng to, thì tảng mây đó hiện ra hình một người lính đội nón cối, ôm súng AK xông vào khói lửa; khói lửa tỏa ra, lan rộng thành đám mây ngũ sắc, rất ấn tượng! Thu Tứ cảm giác như “anh linh hiển hiện” là linh hồn liệt sĩ, bèn đặt tên bài “Anh linh hiển hiện”. Trong các ghi chép của Thu Tứ, có phần về Vĩnh Linh dưới chân dãy Trường Sơn: “Từ 1965-1972, tính bình quân mỗi người dân ở đây đã “gánh”khoảng 7 tấn bom pháo!...”.

Đêm hôm đó, ông nghỉ ở Đông Hà (Quảng Trị). Nửa đêm thao thức, ông chợt nhớ thơ Trần Hữu Dũng: “Chạng vạng ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn mờ mờ sương khói(…) Đâu đó từng gương mặt thân thương các anh vụt trôi qua bầu trời đêm(…) Chợt sợ mọi điều thiêng liêng bay vèo theo cơn bão thời gian lãng quên”. Ông lẩm nhẩm trên giường ngủ: “Không! Thời gian không hề làm cho dân tộc quên những người có công với nước!”.

Phải quá, nhà văn Thu Tứ ơi, dù ông đang sống trên đất Mỹ, tâm hồn ông vẫn thuộc về quê cha đất tổ Việt Nam. Và, đã là người Việt Nam thì câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi thấm sâu vào máu thịt tâm hồn./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết