1. Trong căn nhà nhỏ tại khu phố Xuân Hòa 1, phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An người đàn ông khoảng 90 tuổi với mái đầu bạc trắng hồi tưởng chuyện đời mình. Ông là Phan Thái Nguyên, người có nhiều năm chinh chiến trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông chậm rãi kể, 16 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống Pháp và bị thương ở chân. Đến năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Tại đây, ông nên duyên với người vợ của mình quê ở tỉnh Thanh Hóa. Khi người con gái đầu lòng chỉ vừa tròn vài tuổi, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968. Mấy tháng ròng rã đi bộ, ngày đi, đêm nghỉ, trên vai ông lúc nào cũng mang nặng khoảng 30kg. Hành trang bao gồm lương thực, quần áo, thuốc, súng, đạn,... Ông cùng đồng đội vượt những cung đường quanh co, dốc cao, vực sâu, qua nhiều vùng trọng điểm địch đánh phá ác liệt, dưới thời tiết khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn,... Chứng kiến một số đồng đội bị sốt rét rừng, có người hy sinh,... Nhưng ông luôn nói mình may mắn và cảm thấy hành quân “nhẹ tênh”.
Ông Phan Thái Nguyên kể lại những năm tháng hành quân trên đường Hồ Chí Minh
Ông nhớ lại: “Lúc đó khoảng năm 1967, tôi tròn 38 tuổi. Trước khi lên đường, anh em chúng tôi đều nhớ rõ phương châm "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để bảo đảm bí mật tối đa. Mỗi người đều mặc đồ bộ đội, đi dép râu, ngụy trang để tránh sự phát hiện của địch. Chúng tôi cứ đi khoảng 1 giờ lại được nghỉ 10 phút. Đường Trường Sơn đồi núi hiểm trở, cách vài đoạn lại có dốc đứng, có những nơi chúng tôi phải đu dây để vượt qua giữa hai ngọn núi. Hai bên toàn là vực thẳm, nếu như không cẩn thận có thể mất mạng. Thường xuyên đi bộ và cõng ba lô, chúng tôi sử dụng một cây gậy nhỏ để làm vật đỡ và cứ thế mà đi cho đến khi gặp trạm quân y hoặc trạm liên lạc thì bắt đầu nghỉ ngơi, ăn uống và trao đổi hàng hóa trên vai. Ngày đi, đêm xuống, chúng tôi giăng chiếc võng giữa núi rừng để dừng chân. Và cứ thế, tôi đi rõng rã suốt mấy tháng”.
2. Núi rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã làm điểm tựa vững chắc cho dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Con đường của những kỳ tích mà cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nên, mãi mãi đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất tử muôn đời.
Ngày ấy, ở độ tuổi 18, bà Đoàn Thị Duyến, ngụ xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình, xung phong mở đường Trường Sơn. Cùng với nhiều nữ thanh niên khác, bà tham gia dân công hỏa tuyến. Bất kể ngày hay đêm, khi nhận được nhiệm vụ là đơn vị của bà lập tức đào đường, gánh đất, tải súng, đạn, dược phẩm,... giúp quân giải phóng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn được bà Đoàn Thị Duyến giữ gìn cẩn thận
Có khi đang ngủ, nhận được mệnh lệnh là cả đội thức giấc để hì hục làm việc. “Khoảng những năm 1970- 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên quyết liệt. Hưởng ứng phong trào đi mở đường Trường Sơn, hầu hết thanh niên trong làng tôi đều hăng hái lên đường. Chuyện xảy ra cũng mấy chục năm về trước, bây giờ tôi không nhớ chính xác thuộc địa phương nào nhưng chỉ biết đó là dải núi Trường Sơn có địa hình cam go, cách trở, núi non trùng điệp, khí hậu khắc nghiệt. Hồi đó không biết sao mà tôi khỏe như vậy! Khuân vác nặng nhọc nhưng chúng tôi đều xung phong. Tối đến, chúng tôi ngủ ở lán (trại) hoặc trong khe núi. Thỉnh thoảng làm nhiệm vụ, đồng đội tôi cũng có người bị thương rồi hy sinh. Tôi chỉ ở trên đường Trường Sơn khoảng gần 2 năm rồi trở về”.
Sau ngày giải phóng, vì cuộc sống vất vả nên gia đình người nữ bộ đội Trường Sơn năm nào vào Nam lập nghiệp. Hiện tại, bà sinh sống tại khu phố Bình Cư 3, phường 6, TP.Tân An. Nhiều năm qua đi, cái nghèo khó vẫn đeo bám gia đình khi chồng bà mất sức, không thể lao động để đỡ đần vợ con. Đến nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn rong ruổi mưu sinh. Trở về từ cuộc chiến, sự gian khổ, mất mát của nữ chiến sĩ Trường Sơn như bà Duyến không gì có thể đong đếm được.
Nhưng “phần thưởng” cao quý nhất bà gìn giữ cho đến tận ngày nay là Kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, trao tặng. Ước mơ lớn nhất của bà là mong được gặp lại những người đồng đội, đồng chí năm xưa để thỏa lòng nhớ mong.
Các địa phương tham gia liên hoan tuyên truyền lưu động nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (Ảnh: Hữu Lý)
Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng/ Trường Sơn vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành bản thiên anh hùng ca bất tử, vĩ đại đúng như nhà thơ Tố Hữu diễn tả. 60 năm kể từ ngày mở đường Trường Sơn, chúng ta - những thế hệ đi sau, mãi mãi khắc ghi những công lao to lớn của những chiến sĩ, bộ đội Trường Sơn góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.
Đường Trường Sơn được “khai sinh” đúng ngày sinh của Bác 19/5 nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Đây là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống giao thông này đóng vai trò cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 16 năm (1959-1975) của thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) của Quân đội nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để bảo đảm hoạt động của hệ thống đường này. Đây là con đường còn được những người lính trong cuộc chiến gọi là “Tuyến lửa”. Theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, đường Trường Sơn được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX”.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Truyền thống bộ đội Trường Sơn, Đoàn Long An tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động với chủ đề “Trường Sơn - Con đường huyền thoại” tại TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Theo đó, Đoàn Long An tham gia diễu hành xe tuyên truyền lưu động và biểu diễn văn nghệ cổ động tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
|
Thanh Nga