Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dương Xuân Hội - Lê Kim Thủy cho biết: “Mục đích của việc xây dựng Đề án xã điển hình về văn hóa, NTM nhằm tập trung nâng chất các tiêu chí, bảo đảm đạt theo bộ tiêu chí mới do UBND tỉnh ban hành. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã phân công từng thành viên rà soát thực tế địa phương, có kế hoạch phân kỳ thực hiện; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng chất tiêu chí giao thông, môi trường, giảm nghèo,...
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông
Theo bà Lê Kim Thủy, toàn xã hiện có 4,8km đường trục xã, liên xã; 14,7km đường trục ấp và gần 11km đường ngõ xóm. Trước đây, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi địa phương phát động xây dựng xã văn hóa, NTM, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã, xóm, ấp được láng nhựa, bêtông hóa khang trang. Riêng năm 2017, xã huy động gần 1 tỉ đồng bêtông hóa tuyến đường Ông Cưỡng (ấp Vĩnh Xuân B); đường Sáu Khanh (ấp Mỹ Xuân); nâng cấp, mở rộng đường Cây Da, đường liên ấp Vĩnh Xuân B.
Đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện
Bên cạnh tiêu chí giao thông, địa phương còn quan tâm đến tiêu chí thủy lợi. Đến nay, hệ thống thủy lợi của xã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất với 18 tuyến kênh, tổng chiều dài hơn 21km, đạt 100% diện tích tưới tiêu. Xã huy động gần 1 tỉ đồng đầu tư nạo vét một số tuyến kênh nội đồng: Ông Cưỡng, Tư Hưng (Vĩnh Xuân A), Cây Da (Vĩnh Xuân B), Hồi Xuân,... “Hiện nay, việc đi lại của người dân dễ dàng, đường ngõ xóm sạch đẹp, không còn lầy lội; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn” - ông Lê Đắc Vinh, ngụ ấp Mỹ Xuân, phấn khởi nói.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 50 triệu đồng/năm. Để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn. người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,9%.
Xã duy trì, nâng chất lượng hoạt động Hợp tác xã Dương Xuân gắn với quy hoạch sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện 250ha thanh long ứng dụng công nghệ cao ở 4 ấp (Vĩnh Xuân A 70ha, Vĩnh Xuân B 60ha, Mỹ Xuân 60ha, Hồi Xuân 60ha); duy trì, nâng chất hoạt động của 11 tổ hợp tác và xây dựng mới 1 tổ hợp tác thanh long sạch VietGap (Vĩnh Xuân A).
Người dân chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long mang lại thu nhập cao hơn
Ông Nguyễn Văn Sum, ngụ ấp Vĩnh Xuân A, mạnh dạn chuyển từ diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long mang lại kinh tế cao. Ông Sum chia sẻ: “Sau những lần tham quan, học tập kinh nghiệm, tôi quyết định đầu tư, chuyển 0,5ha đất lúa sang trồng thanh long ruột trắng; sản lượng bình quân đạt hơn 15 tấn/năm, trừ chi phí, lợi nhuận gấp 4 lần trồng lúa”. Thấy trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích sản xuất thanh long ruột trắng sang ruột đỏ. Từ thực hiện phương án đa dạng hóa sản phẩm bằng cách thay đổi giống mới, thử nghiệm thanh long ruột đỏ, thu nhập của gia đình ông không ngừng được nâng lên, bình quân đạt 500 triệu đồng/năm.
Bà Lê Kim Thủy cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã huy động trên 2 tỉ đồng đầu tư mở rộng, tạo các điểm tránh xe cho một số tuyến đường trục ấp: 14-4 (ấp Vĩnh Xuân A), Vĩnh Xuân A (đoạn giáp ranh lộ Chiến Lược đến Vĩnh Xuân A-B); đường Hồi Xuân (đoạn từ giáp đường Trần Văn Giàu đến Đường tỉnh 827A);...
Hiện nay, xã tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh cây trồng, vật nuôi của xã nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cạnh tranh cao./.
Sông Măng