Tiếng Việt | English

19/04/2018 - 14:30

EP yêu cầu CEO Zuckerberg điều trần trực tiếp về vụ lộ thông tin

EP yêu cầu ông Mark Zuckerberg trực tiếp trả lời câu hỏi vụ bê bối lộ thông tin 87 triệu tài khoản Facebook, từ chối đề xuất của nhà sáng lập kiêm CEO mạng xã hội lớn nhất.

Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nghị viện châu Âu (EP) đã yêu cầu ông Mark Zuckerberg trực tiếp trả lời câu hỏi liên quan vụ bê bối lộ thông tin 87 triệu tài khoản Facebook, từ chối đề xuất của nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội lớn nhất hành tinh này cử đại diện cấp thấp hơn tham dự buổi điều trần.

Trong bức thư gửi CEO Facebook ngày 18/4, Chủ tịch EP Antonio Tajani đánh giá cao đề xuất của nhà sáng lập Facebook Zuckerberg cử ông Joel Kaplan, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu và đối ngoại của Facebook đến tham gia điều trần.

Tuy nhiên, Chủ tịch EP Tajani cũng nhấn mạnh tất cả các nhóm chính trị đều yêu cầu sự có mặt của CEO Facebook Zuckerberg tương tự như cuộc điều trần diễn ra tại Quốc hội Mỹ.

Theo ông Tajani, hàng triệu người châu Âu bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối Cambridge Analytica xứng đáng nhận được lời giải thích rõ ràng và đầy đủ từ lãnh đạo cấp cao nhất của Facebook.

Đề cập việc EU sẽ đưa ra những quy định mới siết chặt bảo mật dữ liệu, ông Tajani cũng lưu ý ông Zuckerberg rằng Nghị viện châu Âu là nơi đưa ra quyết định then chốt nhất trong tiến trình xây dựng các quy định mà Facebook đã cam kết sẽ tuân thủ.

Trước đó, trong cuộc gặp với ông Zuckerberg, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Andrus Ansip cũng cho biết lời mời từ Nghị viện châu Âu là một cách để khôi phục sự tin tưởng của các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đối với Facebook.

Dự kiến ngày 25/5 tới, Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU sẽ bắt đầu có hiệu lực nhằm đảm bảo người sử dụng có quyền kiểm soát lớn hơn đối với cách thông tin cá nhân của mình được lưu trữ và sử dụng trên mạng, đồng thời phạt nặng những doanh nghiệp vi phạm quy định.

Nhằm thể hiện sự ủng hộ với GDPR, ngày 18/4, Facebook thông báo từ tuần này bắt đầu tiến hành một loạt thay đổi nhằm nâng cấp việc quản lý thông tin riêng tư của người dùng, bắt đầu từ khu vực EU.

Khoảng 2,7 triệu người dân EU nằm trong số 87 triệu người sử dụng Facebook có thể bị lộ thông tin cá nhân cho hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica.

Vụ bê bối lộ thông tin này không chỉ khiến Facebook chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Mỹ, Anh và châu Âu, mà còn đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên toàn thế giới.

CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng vừa có hai buổi điều trần căng thẳng trước hai viện Quốc hội Mỹ về vấn đề này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết