Bà Bùi Thị Kim Trọng là 1 trong 2 hộ kinh doanh tại khu phố 1B, thị trấn Cần Đước qua rà soát, bình xét công khai đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42
Trong cái nắng gay gắt của tháng 5, chúng tôi theo đoàn công tác của khu phố 1B, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đến rà soát các hộ kinh doanh dịch vụ nấu ăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại đây, các thành viên trong đoàn tập trung tuyên truyền về Nghị quyết số 42, trong đó nhấn mạnh, không phải ai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ những trường hợp thật sự khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, đồng thời hy vọng các hộ kinh doanh dù bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng chưa khó khăn thì hãy chia sẻ cho những người khó khăn hơn, vì nguồn ngân sách hỗ trợ có giới hạn.
Trưởng khu phố 1B - Trần Văn Điệp chia sẻ: “Đa số người dân khu phố 1B sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh dịch vụ nấu ăn. Qua rà soát tình hình thực tế, khu phố có 2 hộ kinh doanh dịch vụ nấu ăn và trên 60 lao động tự do thật sự khó khăn, cần phải hỗ trợ. Còn những hộ kinh doanh và một số lao động tự do khác tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mức sống vẫn bảo đảm thì khu phố không đưa vào danh sách hỗ trợ. Ngoài ra, đoàn còn tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh có kinh tế khá giả cố gắng đóng góp chăm lo các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương”.
Cách đây 2 năm, chị Bùi Thị Kim Trọng, ngụ khu phố 1B, thị trấn Cần Đước, vay tiền ngân hàng mở dịch vụ nấu ăn. Bình quân mỗi tháng, chị có lãi trên 20 triệu đồng. Với số tiền này, chị đủ tiền trả lãi và vốn cho ngân hàng, đồng thời trang trải chi phí cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, từ tết đến nay, dịch vụ nấu ăn của gia đình chị tạm thời ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Biết được khó khăn của gia đình chị, sau khi rà soát, khu phố 1B đưa gia đình chị vào những hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01-4-2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng, theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng. Chị Trọng cho biết: “Chấp hành biện pháp phòng dịch, gia đình tôi tạm thời ngưng kinh doanh dịch vụ nấu ăn. Bao nhiêu tiền dành dụm đều đem ra xài hết. Đang lo lắng thì được địa phương đưa vào danh sách hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tôi mừng lắm! Khoản tiền hỗ trợ sẽ giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn”.
Sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, các cấp, các ngành, địa phương trên toàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng đưa gói hỗ trợ đến các đối tượng càng sớm, càng tốt. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chi gói hỗ trợ cho người dân dù là ngày lễ hay phải làm việc ngoài giờ cho 3 nhóm đối tượng gồm hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; đối tượng người có công với cách mạng đang nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Còn ngay bây giờ, các cấp, các ngành và địa phương lại khẩn trương, rà soát 4 nhóm đối tượng còn lại của Nghị quyết số 42 để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó.
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Phúc cho biết: “Hiện nay, các địa phương đang thực hiện rà soát, điều tra các nhóm đối tượng còn lại chưa được hỗ trợ từ Nghị quyết số 42, trong đó phân công cụ thể cho từng thành viên và nêu cao vai trò giám sát của nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kiên quyết không để xảy ra sai sót. Dự kiến cuối tuần, huyện hoàn thành danh sách các đối tượng còn lại”.
Nghị quyết số 42 là chính sách mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Để chính sách đi vào cuộc sống, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh luôn quyết liệt triển khai, điều tra, rà soát, chi hỗ trợ đến người dân dù là ngày lễ, chủ nhật hay ngoài giờ làm việc. Với sự nỗ lực trên, tin rằng Long An sẽ sớm hoàn thành việc chi gói hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 trong thời gian không xa.
4 nhóm đối tượng còn lại của Nghị quyết số 42 chưa được hỗ trợ
- Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng, theo hàng tháng tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4 đến 6/2020.
- Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 được hỗ trợ 1000.000 đồng/hộ/tháng, theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
- Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 6-2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng, với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng./.
|
Lê Ngọc