Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Gặp người sáng chế máy băm dây thanh long

Nhằm giúp nông dân đỡ vất vả trong việc xử lý những cành già, cành có mầm bệnh trong vườn trồng cây thanh long, anh Lê Văn Hùng và anh Nguyễn Văn Cường đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy băm dây thanh long.

Từ mong muốn giúp nông dân đỡ vất vả

Chúng tôi tìm gặp anh Cường và anh Hùng vào một buổi sáng đẹp trời tại ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An để tìm hiểu rõ hơn về chiếc máy này. Tiếp chúng tôi là một người vóc dáng nhỏ con, da ngăm, có lẽ ít ai nghĩ rằng đây là cha đẻ của chiếc máy. Anh cho biết, ngày trước, mình là kỹ sư cơ khí, chuyên ngành chế tạo máy, sau những năm tháng lặn lội tại Sài Gòn, anh quyết định trở về lập nghiệp trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn mà anh gắn bó từ tấm bé. Ngày ngày đi làm ngang qua những vườn trồng thanh long của người dân, anh thấy họ hì hục băm nhỏ những cành già, cành có mầm bệnh. sau khi tìm hiểu, anh được biết, phải băm nhỏ để làm phân bón cho thanh long, không để những cành này trong vườn hoặc vứt ra ngoài sẽ gây ô nhiễm và rất khó xử lý mầm bệnh,... Vì thế, trong đầu anh lóe lên suy nghĩ, tại sao mình không chế tạo ra một chiếc máy có thể giúp nông dân bớt mệt nhọc, nhưng hiệu quả gấp nhiều lần.

Đến chiếc máy “made in Tân An”

Nói là làm, từ đó, anh bắt đầu suy nghĩ để quyết chế tạo cho bằng được. Mỗi ngày một ít, cuối cùng cũng hoàn thành được sản phẩm mà mình ấp ủ. Anh không để ý mình dùng quỹ thời gian bao lâu để hoàn thành chiếc máy, vì công việc của anh khá bận rộn, chỉ tranh thủ được những lúc rảnh rỗi.

Khi sản phẩm hoàn thành, anh lại còn rất nhiều câu hỏi, liệu nó có được kết quả như mình mong muốn, nông dân có chấp nhận và sử dụng nó không?,... Bước đầu, anh chỉ thử nghiệm chiếc máy tại vườn thanh long nhà mình, nhưng sau một thời gian vận hành, thấy hiệu quả cao nên được khá nhiều nông dân truyền tai nhau và đưa vào sử dụng. Chiếc máy này kết hợp với một số chế phẩm vi sinh để ủ thành phân hữu cơ đem bón lại cho cây. Từ đó, giúp năng suất cây trồng tăng lên, nông dân đỡ vất vả, giải quyết được vấn đề tồn đọng trong khâu xử lý cành già, cành có mầm bệnh, hạn chế được ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cho sản phẩm sạch, tạo tiền đề cho sản xuất bền vững, bảo đảm chất lượng, ổn định xuất khẩu.

Máy băm dây thanh long hoạt động dựa trên nguyên lý tổ hợp nhiều dao băm và quạt đẩy sản phẩm ra ngoài. Được thiết kế an toàn cho người sử dụng, di chuyển dễ dàng trong vườn thanh long bằng hệ thống bánh xe đẩy được đặt ở phía dưới.

“Tôi rất vui vì sản phẩm ra đời giúp ích được nhiều cho nông dân” - anh Cường chia sẻ.

Anh còn cho biết thêm, việc ứng dụng cơ giới xử lý trong nông nghiệp là điều hết sức cần thiết và trong tương lai không xa, anh sẽ cố gắng thiết kế ra những sản phẩm khác, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nông dân.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, chiếc máy ra đời là một công trình sáng tạo, tâm huyết với nhà nông. Với chiếc máy này giúp nông dân tránh được ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng,...

Thanh Mỹ 

Chia sẻ bài viết