Tiếng Việt | English

21/04/2025 - 13:45

Giả danh shipper để lừa đảo

Thời gian qua, liên tục xuất hiện những thủ đoạn lừa đảo mới như giả danh shipper để chiếm đoạt tài sản. Nhiều người bức xúc khi liên tục nhận những cuộc gọi với thủ đoạn này bởi vừa gây tâm lý hoang mang, vừa mệt mỏi khi phải liên tục đối mặt với những chiêu trò lừa đảo.

Chị Phùng Thị Hoa (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) nhận được cuộc gọi: “Chị ơi, em là shipper giao hàng, nhà chị khóa cổng, em ném gói hàng vào trong cổng rào nhé, chị chuyển khoản giùm em 250 ngàn!”. Ngay sau cuộc gọi là ảnh chụp gói hàng và mã QR tài khoản ngân hàng được “shipper” gửi qua Zalo cho chị Hoa.

Do thường xuyên mua hàng online, không nhớ hết các đơn hàng đã đặt nên chị Hoa không ngần ngại chuyển khoản 250.000 đồng cho shipper. Sau khi về nhà, gói hàng mà shipper ném vào cổng rào chỉ là một một mớ giẻ rách được gói buộc cẩn thận và ghi đầy đủ mã đơn hàng, mã vận đơn, tên, địa chỉ người nhận.

Chị Nguyễn Thị Bé Tư (phường 1, TP.Tân An) kể: "Trong lúc đang làm việc tại công ty, tôi nhận được cuộc gọi xưng là shipper giao đơn hàng trị giá 260.000 đồng đã đặt trên Shopee. Thường có thói quen săn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử nên tôi không nhớ hết đơn hàng đã đặt. Cả gia đình đều vắng nhà, không ai nhận hàng nên tôi chuyển 260.000 đồng đến số tài khoản mà shipper gửi qua tin nhắn".

Chuyện chưa dừng lại ở đó, sau khi hoàn tất chuyển khoản, shipper hốt hoảng gọi lại thông báo chị chuyển nhầm vào tài khoản công ty bảo hiểm. Gã khẩn khoản yêu cầu chị Tư chuyển lại số tiền nếu không muốn bị kích hoạt gói bảo hiểm trị giá 5,9 triệu đồng.

Chưa hết, gã shipper còn gửi một đường link để chị kết nối với “trung tâm dịch vụ bảo hiểm” làm thủ tục hủy gói bảo hiểm nếu không hàng tháng, tài khoản của chị sẽ tự động trừ tiền đóng bảo hiểm. Nghi ngờ trước sự mập mờ của gã shipper, chị Tư đã gọi điện thoại đến Bảo hiểm xã hội thành phố và được xác nhận đây là chiêu trò lừa đảo khá quen thuộc đang xảy ra trên địa bàn.

Thời gian qua, lợi dụng sự bùng nổ của thương mại điện tử, dịch vụ giao, nhận hàng tại nhà, các đối tượng tung chiêu lừa để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng giả là shipper của các công ty vận chuyển uy tín gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán.

Các đối tượng lừa đảo thu thập thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức như thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn đặt mua công khai trên livestream; từ các phần mềm, trang thương mại điện tử;... Khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng lừa đảo sẽ chọn thời điểm khách hàng không có ở nhà (thường vào giờ hành chính) để gọi điện thoại, giả danh là nhân viên giao hàng để lừa đảo, yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Sau khi nhận được tiền thanh toán đơn hàng, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng trị giá cao. Còn nếu giá trị thấp, các đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn số tài khoản, yêu cầu muốn lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên, đăng ký mua bảo hiểm thì truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp để nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, mã OTP.

Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử,...

Trước thực trạng trên, người dân cần nâng cao cảnh giác khi mua hàng trực tuyến, chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng trước khi thanh toán, không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.

Đồng thời, cần bảo mật, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi livestream. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết./.

T.D

Chia sẻ bài viết