Giá lúa giảm
Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá bán lúa dao động từ 9.000-10.300 đồng/kg thì những ngày gần đây, giá bán lúa đang giảm mạnh. Hiện giá bán một số giống lúa chỉ còn khoảng 7.300 đồng/kg, khiến nhiều nông dân cảm thấy lo lắng.
Theo nhiều nông dân sản xuất lúa, từ trước Tết Nguyên đán, khi các trà lúa ĐX 2023-2024 bước vào giai đoạn trổ, thương lái đã đến đặt cọc tiền mua lúa tươi với giá hơn 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ sau tết đến nay, giá lúa liên tục giảm. Một số hộ vừa thu hoạch chỉ bán với giá khoảng 7.300 đồng/kg.
Vừa thu hoạch hơn 2,3ha lúa giống OM5451, ông Nguyễn Thanh Tài (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, giá bán lúa tại ruộng chỉ 7.300 đồng/kg. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa đạt năng suất khá cao, khoảng 7,5 tấn/ha nhưng do lúa bán không được giá cao nên sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận không như kỳ vọng.
“Trước tết, có thương lái đến đặt tiền cọc để thỏa thuận thu mua với giá 9.000 đồng/kg vào thời điểm thu hoạch nhưng tôi không nhận vì giá lúa lúc đó còn đang tăng, nhiều nơi giá lúa hơn 10.000 đồng/kg” - ông Tài cho biết thêm.
Còn ông Phạm Văn Nhứt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) có hơn 2ha lúa ĐX giống Ðài thơm 8 đang trong giai đoạn chín và chuẩn bị thu hoạch. Ông Nhứt chia sẻ, cách nay khoảng 1 tuần, một số hộ gần nhà ông thu hoạch lúa, cùng giống Đài thơm 8, bán với giá 8.500 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, giá lúa giảm, thương lái cũng ít thu mua, giá lúa chỉ khoảng 7.600 đồng/kg.
Theo một số thương lái thu mua lúa, từ sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, giá lúa liên tục giảm nhanh, có khi buổi sáng một giá, chiều lại là giá khác, giá mới lúc nào cũng thấp hơn từ 200-300 đồng/kg.
Với việc giá lúa trên thị trường liên tục giảm mạnh khiến cả thương lái và nông dân đều gặp khó. Những thương lái đã đặt cọc từ trước phải năn nỉ nông dân giảm giá bán, còn không thì đành bỏ cọc, chịu lỗ.
Năng suất lúa đạt từ 7-8 tấn/ha
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, vụ ĐX 2023-2024, toàn huyện xuống giống 28.624ha, đến nay, đã thu hoạch hơn 555ha, các trà lúa còn lại trong giai đoạn trổ, chín, nông dân chuẩn bị thu hoạch. Vụ này, thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh ít nên năng suất lúa đạt trên 7 tấn/ha, giá bán từ 7.300-8.600 đồng/kg (tùy giống), sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha.
Tại thị xã Kiến Tường, nông dân xã Bình Hiệp, Thạnh Hưng,... cũng đang thu hoạch lúa ĐX, mặc dù năng suất lúa đạt khá cao nhưng nông dân vẫn kém vui do giá bán giảm so với thời điểm trước tết.
Nông dân thị xã Kiến Tường thu hoạch lúa Đông Xuân 2023-2024
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Nguyễn Hùng Dũng thông tin: “Toàn thị xã đã thu hoạch trên 7.400ha lúa ĐX 2023-2024. Giá lúa đang giảm, thấp hơn trước Tết Nguyên đán từ 2.500-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá này vẫn cao hơn so cùng kỳ năm trước, nông dân vẫn có lợi nhuận khá”.
Vụ ĐX năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ấp Ông Nhan Đông (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) hợp tác với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam sản xuất 135ha lúa Đài thơm 8. HTX đang thu hoạch để giao cho công ty.
Giá lúa tuy giảm nhưng nông dân vẫn có lợi nhuận khá
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp ấp Ông Nhan Đông - Đỗ Văn Đoàn, năng suất lúa vụ ĐX năm nay của các thành viên HTX đạt khoảng 8 tấn/ha. Nhờ liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam mà các diện tích lúa của HTX được thu mua với giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg. Do đó, dù không bán được giá cao như thời điểm trước tết nhưng các thành viên của HTX vẫn có lợi nhuận khá.
Ông Phạm Văn Phương - thành viên HTX Nông nghiệp ấp Ông Nhan Đông, chia sẻ: “Vụ này, gia đình tôi sản xuất khoảng 5ha giống lúa Đài thơm 8, năng suất khoảng 8 tấn/ha (lúa cấy), bán với giá 8.400 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha”.
Còn thiếu liên kết trong sản xuất
Ông Nguyễn Văn Bình (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) canh tác hơn 3ha lúa OM18 trong vụ ĐX năm nay. Hiện lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ, dự kiến còn khoảng 1 tháng nữa mới đến đợt thu hoạch.
Tuy nhiên, với thông tin giá lúa giảm nhanh từ sau tết đến nay và chưa thấy điểm dừng, ông Bình và nhiều nông dân cảm thấy hoang mang, lo lắng. “Giá lúa giảm rất nhanh, sau tết, tôi nghe nói giá còn hơn 8.000 đồng/kg mà nay có nơi chỉ còn hơn 6.500 đồng/kg. Như vậy, mỗi tấn lúa thì nông dân sẽ mất gần 1,5 triệu đồng. Lợi nhuận cũng vì vậy mà giảm rất nhiều” - ông Bình nói.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, vụ ĐX 2023-2024, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp (DN) và 2.067 hộ tham gia triển khai mô hình Cánh đồng lớn với diện tích thực hiện trên 11.136ha, bằng 76,1% so cùng kỳ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, biến động thị trường làm cho giá lúa ĐX sụt giảm, việc tiêu thụ lúa cũng chậm hơn. Tuy nhiên, các giống lúa chủ lực của tỉnh như nếp IR4625, OM18, Đài thơm 8,... vẫn đang được bán với giá từ 7.600-8.000 đồng/kg, đây là mức giá khá cao so với những năm trước đây. Có thể nói, với mức giá như hiện nay và điều kiện sản xuất lúa thuận lợi trong vụ ĐX này thì nông dân trồng lúa đang thắng lợi cả về năng suất và lợi nhuận”.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết nhằm giúp nông dân trồng lúa có đầu ra ổn định và DN có vùng nguyên liệu ổn định để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, sự liên kết vẫn chưa chặt chẽ và còn thiếu tính bền vững.
Nguyên nhân làm cho sự liên kết giữa nông dân và DN không phát huy được hiệu quả là thiếu sự ràng buộc trong hợp đồng liên kết và chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa nông dân và DN. Đặc biệt là thiếu chữ “tín”, khi nhiều nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng với DN để bán lúa cho thương lái bên ngoài với giá cao hơn giá đã ký hợp đồng với DN. Bên cạnh đó, một số DN cũng sẵn sàng phá bỏ hợp đồng khi giá lúa xuống thấp hơn so với giá đã ký kết với nông dân.
Hệ quả là khi giá lúa giảm, nông dân phải trông chờ và kì kèo từng đồng với thương lái để có giá bán tốt. Trong khi đó, DN cũng không xây dựng được một vùng nguyên liệu ổn định.
Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cũng như các HTX cần giữ chữ “tín” và lựa chọn thực hiện liên kết tiêu thụ với các đối tác, DN có uy tín trong các vụ mùa sắp tới nhằm tránh tình trạng “bẻ kèo” khi giá lúa trên thị trường có biến động lớn./.
Bùi Tùng