Tiếng Việt | English

14/02/2017 - 20:21

Giá lúa ở ĐBSCL tăng mạnh

Vụ Đông Xuân ở một số địa phương khu vực ĐBSCL đã bắt đầu bước vào đợt thu hoạch. Điều đáng mừng là giá lúa có xu hướng tăng khá cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

 

Ảnh mi​nh họa: Văn Đát

​Tại An Giang, lúa tươi IR50404 được bán từ 4.500-4.600 đồng/kg; lúa chất lượng cao 4.700-4.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao đã phơi khô 5.650-5.800 đồng/kg. Lúa thơm Jasmine có giá 5.300-5.400 đồng/kg, tăng 50-100 đồng/kg.

Giá lúa tươi OM5451 được bán 5.200-5.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Riêng giá lúa OM4900 tăng khá cao, từ 4.900-5.000 đồng/kg lên đến 5.300-5.400 đồng/kg. Giá lúa nếp còn tươi là 5.700-5.800 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, hiện giá lúa tươi được các thương lái mua tận ruộng từ 4.400-4.500 đồng/kg đối với giống IR50404 và từ 5.400-5.500 đồng/kg đối với lúa Jasmine. Giá này cao hơn trước Tết Nguyên đán từ 150-200 đồng/kg và cao hơn cùng kỳ từ 200-500 đồng/kg.

Giá gạo thường trên thị trường hiện được bán 10.000 đồng/kg và gạo Jasmine có giá là 14.000 đồng/kg.

Giá gạo thu mua tại các nhà máy cũng tăng khá cao từ 200-500 đồng/kg tùy từng chủng loại và chất lượng gạo. Số liệu do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cung cấp cho thấy, giá gạo thu mua tại các nhà máy có sự chênh lệch đáng kể giữa thời điểm trước và sau Tết.

Cụ thể, nếu như ngày 13/1, gạo OM5451 chỉ được mua ở mức 8.100-8.150 đồng/kg, thì sau gần một tháng, giá gạo đã tăng thêm 500 đồng/kg, ở mức 8.600-8.650 đồng/kg.

Gạo Jasmine loại 1 (vụ Thu Đông) cũng từ 9.700​-9.800 đồng/kg lên mức 9.900-10.000 đồng/kg. Gạo trắng 6976 hiện có giá 8.450​-8.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với trước đó…

Đặc biệt, càng vào thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa càng được thương lái đặt cọc mua cao hơn. Số lượng thương lái tham gia thu mua cũng nhiều hơn so với đầu vụ.

Thị trường lúa gạo đang xuất hiện hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa thương lái với doanh nghiệp nằm trong vùng liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, nên gây khó khăn cho một số doanh nghiệp tham gia bao tiêu.

Bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp đang tính toán lại cách phân chia thu mua lúa gạo trong vùng nguyên liệu có ký kết bao tiêu cho phù hợp để vừa bảo đảm lợi ích cho cả nông dân lẫn lợi nhuận cho doanh nghiệp và tạo mối liên kết gắn bó lâu dài.

Còn ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu tốt. Thị trường và giá đều tăng nhưng không cao bằng giá thu mua nguyên liệu trong nước.

Việc tranh mua, tranh bán lúa gạo nguyên liệu giữa thương lái và doanh nghiệp chưa gây khó khăn gì lớn đối với doanh nghiệp này, vì dù giá lúa ngoài thị trường tăng nhưng doanh nghiệp đã thỏa thuận với nông dân tăng giá thu mua. Tuy nhiên, giá lúa bên ngoài tăng cao cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mua đủ lượng lúa gạo như trong hợp đồng.

Giá lúa nội địa tăng cao cũng khiến giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 5 USD/tấn so với thời điểm trước Tết.

Các doanh nghiệp cho biết, năng suất của trà lúa Đông Xuân sớm năm nay giảm 30-40% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thay đổi thất thường, khiến sâu bệnh nhiều hơn, ảnh hưởng đến năng suất lúa thu hoạch.

Vấn đề năng suất giảm là một trong những yếu tố khiến giá lúa gạo gia tăng hiện nay. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp thu gom hàng để kịp giao hơn 293.000 tấn cho thương nhân Philippines cũng góp phần giúp giá nội địa tăng lên.

Giá lúa gạo được dự báo sẽ chững lại khi thu hoạch chính vụ Đông Xuân vào cuối tháng 2​. Hiện đã có khoảng 230.000 ha lúa đã được thu hoạch với năng suất trung bình đạt 5,9 tấn/ha. Dự kiến, thu hoạch lúa Đông Xuân sẽ diễn ra từ nay đến hết tháng 3./.

Theo HTV/TTXVN

Chia sẻ bài viết