Nông dân vui vì giá mía tăng
Niên vụ 2015-2016, toàn tỉnh có 10.829ha mía, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa và Thủ Thừa. Tính đến thời điểm này, nông dân thu hoạch khoảng 330ha mía, năng suất ước đạt 694 tạ/ha, sản lượng 22.890 tấn.
Điều phấn khởi là giá mía bán ra tại ruộng từ 600.000-700.000 đồng/tấn. Mức giá này cao so với những năm qua, nhờ đó, nông dân có lãi. Ông Trần Thanh Phong, ngụ ấp 5, xã Lương Bình, huyện Bến Lức cho biết: “Giá mía năm nay cao hơn năm rồi khoảng 200.000 đồng/tấn. Với giá này, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha. 5ha mía của gia đình tôi sắp đến ngày thu hoạch, hy vọng năm nay sẽ lãi cao”.
“Tuy giá mía tăng nhưng nếu so sánh với những cây trồng khác thì lợi nhuận vẫn không bằng. Vì vậy, nhiều nông dân trong huyện vẫn không có ý định mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ sau. Một số hộ còn phá bỏ cây mía, chuyển sang trồng chanh” - ông Phong cho biết thêm.
Nông dân trồng mía vẫn cần nhiều chương trình hỗ trợ
Theo cán bộ khuyến nông xã Lương Bình - Nguyễn Hải Minh Trân, vụ mía năm nay, xã có khoảng 825ha, giảm hơn 40ha so với cùng kỳ. Đến nay, diện tích mía thu hoạch khoảng 50ha, năng suất đạt 70 tấn/ha. Hiện nay, giá mía tương đối ổn định. Giá đầu vụ ở mức 550.000-600.000 đồng/tấn, có lúc lên đến 700.000 đồng/tấn. Với giá này, nông dân lãi 10-20 triệu đồng/ha, có những đám mía đạt năng suất cao, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha. Nông dân trên địa bàn chủ yếu bán mía thông qua thương lái và thương lái ký hợp đồng với Cty Thành Thành Công ở Tây Ninh.
Tuy nhiên, với thực trạng về giá mía nguyên liệu bấp bênh, nhiều năm liên tục đứng ở mức thấp cho thấy, trong những năm tới, nhiều nông dân sẽ chuyển từ mía sang cây trồng khác và khó thực hiện được việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía đạt diện tích theo kế hoạch. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ nông dân trồng mía. Cụ thể, cần hỗ trợ nông dân về mối liên kết “4 nhà”, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, bố trí lịch thời vụ khoa học, bảo đảm mía thu hoạch rải vụ phục vụ cho nhà máy sản xuất không bị ứ đọng,... Có vậy, nông dân mới mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả để phát triển diện tích cây mía theo quy hoạch của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Tuy giá mía năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm rồi nhưng diện tích vẫn giảm. Hiện quy hoạch vùng mía trên địa bàn tỉnh khoảng 11.000ha. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2020, diện tích sẽ giảm do giá mía thấp, lợi nhuận không cao, nhiều nông dân chuyển sang trồng chanh. Diện tích mía toàn tỉnh giảm khoảng 857ha so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa,... Hiện Cty Cổ phần Nivl còn nợ người dân (chủ yếu là thương lái) khoảng 15 tỉ đồng. Cty Thành Thành Công ký hợp đồng thu mua khoảng 3.500ha mía của người dân trên địa bàn huyện Bến Lức. Để người dân trồng mía đạt hiệu quả, ngành cùng huyện tổ chức rà soát lại, tìm giải pháp cơ giới hóa, quy hoạch, liên kết doanh nghiệp tạo đầu ra cho sản phẩm. Nếu Cty Thành Thành Công làm tốt thì ngành sẽ khuyến khích nông dân ký hợp đồng lâu dài”./.
Lê Huỳnh