Tiếng Việt | English

13/04/2021 - 21:40

Giá phân bón tăng, nông dân lo lắng

Vài tháng gần đây, giá phân bón tăng “đột biến” làm nhiều nông dân lo lắng vì chi phí sản xuất đầu vào tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Giá phân bón tăng, nhiều nông dân lo lắng, bởi vụ Hè Thu này, mỗi hécta trồng lúa tăng từ 2-3 bao phân bón so với vụ Đông Xuân

Giá phân bón tăng, nhiều nông dân lo lắng, bởi vụ Hè Thu này, mỗi hécta trồng lúa tăng từ 2-3 bao phân bón so với vụ Đông Xuân

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá phân bón các loại như DAP, Urê, NPK,... bắt đầu tăng từ 30.000-130.000 đồng/bao (loại 50kg). Theo khảo sát tình hình thực tế, hiện nay, phân DAP bán với giá từ 760.000-780.000 đồng/bao (tăng 120.000 đồng/bao so với trước Tết Nguyên đán); NPK bán với giá dao động từ 720.000-750.000 đồng/bao (tăng 120.000 đồng/bao so với trước Tết Nguyên đán);...

Theo một số công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, nguyên nhân tăng giá là nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, đồng thời giá phân bón trên thế giới cũng tăng mạnh vào giữa năm 2020 sau thời gian suy thoái, từ đó kéo theo giá phân bón trong nước cũng “leo thang” khoảng 30%.

Giá phân bón tăng nên vụ Hè Thu năm nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh “vừa làm, vừa lo” bởi đây là vụ lúa cần sử dụng nhiều phân bón nhất trong năm. Được biết, trung bình 1ha lúa Hè Thu, nông dân phải bón thêm ít nhất từ 2-3 bao phân bón so với vụ Đông xuân. Hơn hết, giá phân bón tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng như xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống. Vì vậy, vụ lúa Hè Thu này, nông dân phải tốn thêm gần 2 triệu đồng/ha cho chi phí đầu vào. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, chưa kể vụ lúa Hè Thu đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch hại, năng suất thấp.

Anh Nguyễn Văn Thiện, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Vụ lúa Đông Xuân vừa qua trúng mùa, bán được giá cao nên tôi có tiền đầu tư mua phân bón cho vụ Hè Thu. Chưa biết vụ này thời tiết có thuận lợi, khi thu hoạch có bán được giá cao hay không, trong khi hiện tại, giá phân bón tăng, chi phí đầu vào cũng tăng từ 1,3-1,5 lần trở lên”.

Không chỉ phân bón tăng giá mà một số loại còn khan hàng, nhiều nông dân hoặc các đại lý phải đặt cọc trước mới mua được. Ông Trần Văn Lớn, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, nói: “Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, tôi đặt cọc tiền cho đại lý mới mua được phân DAP, Urê và NPK. Cứ tình hình này, nông dân trồng lúa sẽ không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn. Ngành chức năng cần sớm có giải pháp bình ổn giá phân bón để nông dân an tâm sản xuất”.

Giá phân bón tăng kéo theo chi phí đầu tư sản xuất cũng tăng. Thu nhập của nông dân trong vụ Hè Thu năm nay ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng.

"Thời gian tới, Chi cục sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhận biết sản phẩm có chất lượng, mua sản phẩm của các công ty có thương hiệu, nhãn mác, công bố hợp quy, có ngày sản xuất, hạn sử dụng; tiếp tục thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm; tập trung thu mẫu sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, để giảm chi phí sản xuất, ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vận động nông dân tham gia sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản an toàn, theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm””./.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý nông sản tỉnh - Trần Thị Mộng Thi

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích