Tiếng Việt | English

05/07/2022 - 09:35

Gia tăng trầm cảm trước và sau sinh ở phụ nữ (Kỳ 2)

Khoảng thời gian mang thai và sau sinh là giai đoạn quan trọng, căng thẳng khiến nhiều phụ nữ (PN) rơi vào tình trạng trầm cảm (TC). Trên thực tế đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng xuất phát từ bệnh TC.

Phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh cần được phát hiện, can thiệp kịp thời

Nhiều sự việc đau lòng   

TC là một trong các bệnh tâm lý về thần kinh nguy hiểm. Hiện nay, bệnh TC không còn xa lạ khi số người mắc ngày càng tăng, trong đó có PN mang thai và sau sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, TC là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Một nghiên cứu tại Anh ghi nhận, tỷ lệ căng thẳng, lo lắng trước đại dịch Covid-19 ở PN mang thai và sau sinh là 37% nhưng đã tăng lên 60% kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

TC khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ mà còn tác động xấu đến tâm, sinh lý của thai nhi. Thai phụ bị TC nặng sẽ khó có thể tự chăm sóc bản thân, ăn uống không tốt, nghỉ ngơi không đủ. Từ đó, dẫn đến nhiều hậu quả như sinh non, thai kém phát triển, sinh con nhẹ cân và nhiều biến chứng sau sinh khác. Còn TC sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Nhận biết sớm và hiểu đúng về tình trạng này có vai trò rất quan trọng trong việc giúp PN sau sinh vượt qua được giai đoạn này.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tài - Khoa Tâm thần tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Long An, PN mắc chứng TC sau sinh thường có biểu hiện như buồn bã, lo lắng thái quá hay cáu gắt, tức giận vô cớ; thường đề cập đến những vấn đề tiêu cực, cho rằng mình không thể làm mẹ tốt, không được quan tâm, không thể nuôi con, bất lực; có những hành vi chăm sóc và kiểm tra con liên tục, quá mức hoặc gây hại đến cơ thể, tính mạng của bản thân và con mình. Triệu chứng cơ thể khi TC là mất ngủ, thay đổi thói quen ăn uống (chán ăn hoặc ăn quá nhiều), mệt mỏi thường xuyên,...

Bệnh TC sau sinh nếu không điều trị và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, thậm chí tự làm hại mẹ và con. Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải nhiều sự việc đau lòng xuất phát từ TC ở PN. Đơn cử, ngày 05-02-2022 xảy ra 2 vụ việc đau lòng tại TP.HCM và Hà Tĩnh khiến dư luận bàng hoàng, thương xót. Tại TP.HCM, người nhà phát hiện chị C. (34 tuổi, quê Sóc Trăng) và con gái khoảng 7 tháng tuổi tử vong trong nhà trọ tại quận Bình Tân, trong đó chị C. tử vong trong tư thế treo cổ, còn con gái tử vong trong máy giặt. Được biết, chị C. là công nhân, còn chồng chạy xe ba gác. Thông tin ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị TC. Cùng ngày, tại Hà Tĩnh, chị Lê Thị H. (39 tuổi) nghi chém chết con trai 2 tháng tuổi và có ý định tự tử nhưng không thành. Theo kết quả điều tra ban đầu, sau sinh, chị H. có biểu hiện TC nặng.

Tháng 5 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài gần 40 giây ghi lại hình ảnh một PN ở Bạc Liêu bế con 1 tuổi quăng xuống sông. Theo điều tra ban đầu, người PN này được cha ruột chở về nhà chồng. Khi đến bến phà, bất ngờ chị quăng con xuống sông trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Rất may là cháu bé được ông ngoại cứu sống kịp thời. Qua xác minh bước đầu, lực lượng chức năng xác định người PN này có dấu hiệu của bệnh TC.

Gần đây, dư luận không khỏi xót xa trước trường hợp một PN 37 tuổi (quê Long An) ném con trai 2 tháng tuổi từ tầng 5 Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM khiến bé tử vong. Tại cơ quan điều tra, người PN khai rằng, nghĩ con trai bị bệnh nặng, hay quấy khóc khiến vợ chồng mệt mỏi, trong khi gia đình không có tiền chữa trị nên đã ném bé. Cơ quan công an nhận định người PN này có biểu hiện bệnh TC. Trước những sự việc đau lòng trên có thể thấy tác hại nghiêm trọng của bệnh TC, gióng lên hồi chuông cảnh báo đã đến lúc cần quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc sức khỏe của PN, nhất là giai đoạn trước và sau sinh.

Cần thấu hiểu, sẻ chia với phụ nữ   

Quá trình mang thai và sau sinh khiến PN phải đối mặt với sự thay đổi đáng kể về thể chất cũng như tinh thần. Tâm lý của các thai phụ có nhiều thay đổi, thường nhạy cảm hơn và rất dễ bị stress khi phải đối mặt với những áp lực từ nhiều phía, gia đình, công việc,... Đối với những PN mang thai lần đầu dễ gặp căng thẳng hơn, đặc biệt ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Còn PN sau sinh rất dễ bị stress cùng với nhiều yếu tố tác động gây nên chứng TC khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, thậm chí mất sữa,... Điều này không chỉ không tốt trong việc chăm sóc em bé mà còn ảnh hưởng xấu đến thể chất của sản phụ.

Người chồng cần có sự thấu hiểu, sẻ chia việc nhà và cùng chăm sóc con

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hữu Tài, gần đây nhất, Bệnh viện Tâm thần Long An vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 22 tuổi (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) sau khi sinh con đầu lòng được vài ngày đã phải nhập viện điều trị do mắc TC sau sinh. Qua tìm hiểu thì sản phụ này bất đồng quan điểm trong việc chăm sóc con với mẹ chồng khiến chị cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng. Những biểu hiện của sản phụ này là buồn chán, mất ngủ, loạn thần (la hét, không kiềm chế được cảm xúc và không làm chủ được hành vi của bản thân). “Với những trường hợp này, người nhà cần theo sát 24/24 giờ để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe người mẹ mà còn có nguy cơ gây hại đến tính mạng của trẻ” - bác sĩ Tài nhấn mạnh.

Đối với PN, mang thai và sinh nở là điều vô cùng hạnh phúc nhưng đây cũng là quá trình mệt mỏi và áp lực. Chính vì thế, PN cần chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý, học cách thư giãn, suy nghĩ tích cực,... Bên cạnh đó, người thân, gia đình, đặc biệt là người chồng cần thấu hiểu, quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe PN, sẻ chia việc nhà và cùng chăm sóc con để PN có thể giảm bớt áp lực, căng thẳng./.

(còn tiếp)

Phạm Ngân - Huỳnh Hương

Kỳ 3: Bệnh trầm cảm - Nguyên nhân, dấu hiệu

Chia sẻ bài viết