Khi cùng nhau gắn kết một gia đình, ngoài việc phải có trách nhiệm với nhau ra, những người chồng người vợ còn gánh trên vai trách nhiệm với con cái - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hạnh phúc là những gì đang có?
Khi con hàn gắn "mảnh vỡ"
Từ khi sinh con gái đầu lòng, chị Bảo Trân (ngụ Q.8, TP.HCM) ở nhà chăm sóc con. Lúc này anh Gia Khôi nghỉ làm, ra ngoài mở công ty riêng nên thỉnh thoảng chị cũng phụ giúp chuyện kinh doanh. Khi con gái được 2 tuổi, chị Trân mang bầu đứa thứ hai và không có ý định đi làm lại vì bận chăm con và bù đầu với việc nhà.
Chị Trân nói mình dần trở nên thay đổi, lạc hậu mọi thứ. Chị ngây thơ tin vào tình yêu vĩnh cửu và sự chân thành của chồng mình. Cho đến một ngày chồng chị có "phòng nhì" là cô thư ký. Anh chị ra tòa. Chia tay, anh chị thỏa thuận không chia con cái, tài sản. Anh chấp thuận để lại căn nhà cho ba mẹ con ở và mỗi tuần về thăm con vào ngày chủ nhật.
Sau khi chia tay, chị bắt đầu làm lại tất cả với công việc phù hợp chuyên môn đã học. Nhờ đi làm trở lại, chị mới nhận thấy mình sai lầm khi chọn ngõ cụt, ở nhà nuôi con.
Cuộc sống mới giúp chị tìm lại sự tự tin, tự làm mới bản thân. Vào những ngày chủ nhật chị ra khỏi nhà để cha con anh tự do với khoảng không riêng biệt. Rồi như có sự sắp đặt của ba cha con, khi con gái lớn bắt đầu năn nỉ mẹ đi chơi chung, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Đà Lạt...
Các con của anh chị ngày một trưởng thành hơn, chúng luôn đặt câu hỏi "sao ba mẹ không ở chung?" và tìm cách cho ba mẹ ở bên nhau. Sau đổ vỡ, chị nhận ra mình trưởng thành, cứng cáp hơn.
Để rồi một ngày đẹp trời, anh nhờ con gái chuyển cho chị một bức thư thật dài ôn lại chuyện cũ, nhắc lại lỗi lầm và xin được thứ tha để các con có đủ cha đủ mẹ.
Sau nhiều ngày suy ngẫm, chị đã gật đầu để anh dọn về. Khỏi phải nói cũng biết là hai con của anh chị vui đến dường nào. Sau khoảng không mất mát, tổn thương, chị cho biết cả hai đã biết hàn gắn những mảnh vỡ của hôn nhân, tìm thấy giá trị của gia đình.
Hoàn cảnh khác, có với nhau hai mặt con, chị Phương Vy (ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn không nghĩ một ngày hai vợ chồng lại đưa nhau ra tòa để chấm dứt cuộc hôn nhân vì anh xao lòng với đối tác.
Thay vì vợ chồng ngồi lại nói chuyện thẳng thắn, chị lại trả đũa chồng có bồ bằng cách nối lại tình xưa với người bạn học sau một lần họp lớp. Chị nói hành động của mình chỉ nhằm mục đích để chồng nhận ra giá trị của vợ mà quay về gia đình.
Không ngờ anh cho rằng chị cũng chẳng phải là người vợ tốt đẹp gì, lấy đó làm bằng chứng để nhất quyết ra tòa ly dị. Bị chạm tự ái, chị cũng nhanh chóng ký đơn để giải thoát cho nhau mà không hề níu kéo.
Chỉ đến khi cuộc sống và con cái được chia đôi một cách cụ thể, cả hai mới cảm nhận được sự thiệt thòi của hai con. Đứa con gái đầu sống với ba, con trai nhỏ sống với mẹ. Một thời gian sau khi ba mẹ ly hôn, người con gái có những biểu hiện trầm cảm khiến anh lo lắng không nguôi.
Chứng kiến cảnh con gọi mẹ trong mơ, khóc vì nhớ mẹ và em, anh mới thấm thía cảnh tình thân bị chia lìa như thế nào. Bên kia, chị Vy cũng đau khổ vì sống xa con, bấn loạn khi đứa con trai suốt ngày hỏi bố và chị. Hai đứa trẻ không thể chấp nhận được cuộc sống chia ly, chúng rơi vào trạng thái mất cân bằng khiến anh chị phải suy nghĩ lại.
Rồi anh chị không hẹn mà gặp nhau tại bệnh viện, bởi hai con bị bệnh phải vào cấp cứu. Nhìn hai chị em nằm trên giường bệnh vui mừng ríu rít hỏi han nhau, ôm chầm nhau sau bao ngày chia cách, anh chị rớt nước mắt. Chính lúc này, họ cũng mới có cơ hội nhìn lại nhau kể từ ngày ly hôn. Anh tìm cách quay về với chị.
Chị Vy tâm sự điều khiến vợ chồng chị hàn gắn lại cuộc hôn nhân chính vì sự thiệt thòi của các con. Trước đây, anh chị chỉ quan tâm đến bản thân mà không nghĩ đến cảm xúc của các con. Đó cũng chính là sai lầm mà anh chị phải thay đổi sau khi về lại bên nhau.
Đừng lặp lại sai lầm trong quá khứ
Gia đình đổ vỡ có thể xuất phát từ những sai lầm trong cuộc sống của vợ hoặc chồng hoặc cả hai, nên khi hai người hàn gắn lại hôn nhân thì nhất định phải tránh được những sai lầm trước đó.
Việc vợ chồng tìm lại yêu thương sau đổ vỡ không đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi người phải biết bao dung tha thứ cho lỗi lầm của bạn đời trong quá khứ, nhất là nguyên nhân khiến hôn nhân đổ vỡ trước đó. Trong thực tế, không phải bất cứ gia đình nào hàn gắn hôn nhân sau đổ vỡ cũng đều xuất phát từ "chân lý không thể sống thiếu nhau" nên mới "gương vỡ lại lành".
Có cặp sau ly hôn sống tự do một thời gian, nhận ra chuyện tái hôn còn phức tạp hơn, có nguy cơ không được như hôn nhân cũ bởi mối quan hệ con chung, con riêng. Có người sau khi thất bại hôn nhân không tìm được hạnh phúc mới, khó khăn khi sống một mình, không đủ tự tin để đi bước nữa.
Cũng có người nhận ra mình phải sống cho con cái nhiều hơn, không nên để con cái sống cảnh gia đình đổ vỡ. Họ nhận ra cuộc hôn nhân cũ dẫu có chút bất hạnh nhưng vẫn còn hơn những khó khăn sau khi ly hôn. Vậy là họ tìm cách hàn gắn, quay về đoàn tụ.
Kinh nghiệm đổ vỡ từ cuộc hôn nhân đầu tiên sẽ luôn hữu ích cho cuộc sống hiện tại nhằm giúp cả hai tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Nếu hôn nhân thất bại vì vấn đề tài chính, hãy xác định rõ bạn sẽ giải quyết chuyện tiền bạc thế nào. Nếu vấn đề xoay quanh chuyện nuôi con cái, hãy nói về chuyện này trước.
Nếu ly hôn do ngoại tình, hãy tìm hiểu tại sao vợ hoặc chồng đã ngoại tình, biết nguyên nhân cốt lõi sẽ giải quyết được việc không chung thủy, tha thứ và xây dựng lại lòng tin.
Trong bất kỳ cuộc đổ vỡ nào đều có nguyên nhân từ hai phía, điều quan trọng là phải nhận ra rằng cuộc hôn nhân đầu tiên đã qua. Dù khó khăn đến đâu, đừng để điều đó ám ảnh đến cuộc hôn nhân thứ hai khi bạn quay lại, tái hôn. Đừng chăm chăm vào sai lầm bạn mắc phải mà thay vào đó hãy tập trung cho tương lai.
Không ít cặp vợ chồng phải trải qua thử thách, sóng gió, cả hai mới nhận ra giá trị thật sự của hạnh phúc. Bài học khi hôn nhân đổ vỡ, mất nhau trong cuộc đời, sự thiệt thòi của con cái phải sống cảnh chia ly khiến họ biết trân trọng hạnh phúc, trân trọng mái ấm gia đình hơn.
Bởi khi cùng nhau gắn kết một gia đình, ngoài việc phải có trách nhiệm với nhau ra, những người chồng người vợ còn gánh trên vai trách nhiệm với con cái.
Và họ không có quyền đặt quyền lợi, hạnh phúc của con cái sau hạnh phúc của bản thân khi sinh chúng ra trên cuộc đời này.
Thay đổi để hoàn thiện hơn
Theo các chuyên gia tâm lý, để hôn nhân "gương vỡ lại lành" hạnh phúc trở lại thì vợ chồng nhất định phải sống theo kiểu "bình cũ rượu mới". Nhìn bề ngoài, cuộc hôn nhân của họ vẫn như trước nhưng mỗi người chồng, người vợ không thể sống giống như trước đây.
Họ phải thực sự thay đổi từ suy nghĩ, hành động trong cách ứng xử với nhau hằng ngày. Vợ chồng cần lắng nghe, tôn trọng nhau nhiều hơn.
Nói khác hơn, kỹ năng chung sống vợ chồng sau khi ly hôn rồi tái hôn cần gấp nhiều lần so với trước đây.
Bởi ngoài việc tạo nên cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, họ còn có trách nhiệm hàn gắn lại những tổn thương của lần đổ vỡ trước đó.
Một chiếc bình đã vỡ, hàn gắn lại kiểu gì cũng có vết rạn trong đó. Người nào khéo léo, vết rạn sẽ mờ đi khó nhận thấy; còn người nào vụng về, vết rạn sẽ dễ dàng nứt vỡ bất cứ lúc nào.
|
Theo TTO