Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên chủ trì cuộc họp
UBND tỉnh Long An vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016 -2020) của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên chủ trì.
Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (theo giá cố định năm 1994) đạt khoảng 11,25%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, vượt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2010, cơ cấu kinh tế 3 khu vực nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ (khu vực I - khu vực II - khu vực III) lần lượt là 36,8% - 33,3% - 29,9%, dự kiến hết năm 2015 là 24,8% - 43% - 32,2%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt chỉ tiêu kế hoạch là 50 triệu đồng/năm.
Tỉnh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) (theo giá so sánh năm 2010 theo cách tính của Tổng cục Thống kê) đạt 10-10,5%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng 3 khu vực kinh tế lần lượt là: Nông nghiệp 3,0%/năm; công nghiệp - xây dựng 14,3-15,3%/năm; dịch vụ 8,0- 8,2%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 85-90 triệu đồng/năm. Sản lượng lúa bình quân 2,8 triệu tấn/năm;…
Mục tiêu năm 2016-2020, sản lượng lúa 2,8 triệu tấn/năm
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: 50% trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; 80% trở lên số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương; trên 60% xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; giải quyết việc làm cho 150.000 lao động/5 năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% (theo chuẩn thu nhập mới của cả nước); có 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa;...
Về môi trường: 98% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 45% hộ sử dụng nước sạch; tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt ở khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ đạt 100%;...
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2016-2020) theo giá hiện hành khoảng 207.370 tỉ đồng, gấp 1,79 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định: Long An cần tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên cho công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc, nâng cao tính ổn định, bền vững trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa; khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành; ưu tiên, mời gọi, bố trí các dự án đầu tư có tính liên kết sử dụng sản phẩm của nhau; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết phát triển thành doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài;.../.
Lê Huỳnh