Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng
|
► PV: Năm 2018 là năm ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Xin ông cho biết, để đạt kết quả đó, ngành có những nỗ lực như thế nào?
Ông Lê Văn Hoàng: Đạt kết quả trên nhờ sự quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên tất cả lĩnh vực được phân công của cán bộ, công nhân viên toàn ngành. Nhìn chung trong năm 2018, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành chuyên môn. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chương trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện tốt; tình hình tiêu thụ nông sản tốt hơn so cùng kỳ năm 2017. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được phòng trừ kịp thời, không xảy ra dịch trên diện rộng.
Ngành triển khai thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng tập trung chuyển đổi các vùng trồng lúa hoặc cây trồng hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có giá trị gia tăng cao. Năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi ước 19.641ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác: Rau các loại 12.553ha (trong đó có dưa hấu 3.565ha), đậu phộng 2.931ha, bắp 1.298ha, mè 189ha, thanh long 1.323ha, chanh 1.038ha, dừa 146ha, chuối 68ha, mãng cầu 51ha, sầu riêng 39ha, bưởi 25ha,... Nhìn chung, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa bước đầu đạt kết quả rất khả quan. Nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của người dân tăng đáng kể, nhất là trên cây chanh, thanh long, rau màu các loại.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản được chú trọng, trong năm không xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, ngành triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đối phó với tình hình lũ sớm nên thiệt hại do lũ được hạn chế đến mức thấp nhất; các công trình nạo vét kênh, mương, chống lũ phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả, giảm thiệt hại trong sản xuất. Đồng thời, sau 3 năm tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả quan trọng; bước đầu xây dựng được các mô hình, xác định được hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để làm điểm nhân rộng ra toàn vùng.
Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng ước đạt 3,48%
► PV: Bên cạnh kết quả đã đạt, ngành còn gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Hoàng: Năm 2018, tình hình thời tiết bất lợi, mưa trái mùa diễn ra trên trà lúa sắp thu hoạch làm đổ, ngã, giảm năng suất lúa. Lũ sớm kết hợp mưa lớn gây ngập úng, làm giảm năng suất một số diện tích lúa Hè Thu và Thu Đông ở vùng Đồng Tháp Mười.
Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ có nhiều bất cập, thiếu bền vững, vẫn còn tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết giữa 2 bên. Tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định. Giá mía tiếp tục ở mức thấp, nông dân không có lãi nên chuyển sang trồng các loại cây khác. Lao động trong nông nghiệp đang thiếu trầm trọng, do đó giá thuê lao động hiện rất cao. Một bộ phận nông dân vẫn còn canh tác theo tập quán cũ, chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia liên kết sản xuất và ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp; vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn hạn chế, nông dân chưa tích cực tham gia.
Hoạt động của các HTX còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các HTX khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
►PV: Xin ông cho biết, để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2019, thời gian tới, ngành tập trung những gì và có kế hoạch như thế nào?
Ông Lê Văn Hoàng: Để đạt mục tiêu năm 2019, ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 4 vùng sản xuất ƯDCNC (vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất rau, vùng sản xuất thanh long và vùng chăn nuôi bò thịt) nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh đến năm 2020. Tăng cường liên kết sản xuất, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng liên kết “4 nhà” gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2019 đạt 1,5%.
Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng ước đạt 3,48%
Tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020: Tiếp tục thực hiện chuyển đổi các vùng trồng lúa hoặc cây trồng hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn: Thanh long, chanh, rau màu các loại,... hình thành các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó đẩy mạnh công tác tham quan, học tập những mô hình hay, hiệu quả và thông tin trên báo, đài những mô hình sản xuất hiệu quả; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, HTX điểm trong ƯDCNC, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng các HTX điểm ƯDCNC để đạt các tiêu chí năm 2019. Rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC nhằm bảo đảm việc vận chuyển máy móc, hàng hóa được thuận lợi; triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC và các cơ chế, chính sách khác nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, có nhiều sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ tổ hợp tác, HTX sản xuất đạt chứng nhận GAP tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm và chợ phiên nông sản an toàn ở TP.HCM để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh; triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm: Phát hành các đĩa DVD, tờ rơi,... cung cấp thông tin, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm an toàn, các doanh nghiệp và chính sách đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản; mở chuyên mục “Xúc tiến thương mại nông nghiệp” trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp thông tin, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông - lâm - thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản; ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
► PV: Xin cảm ơn ông!
Lê Hải Phong (thực hiện)