Tiếng Việt | English

04/02/2023 - 22:07

Giao ban hàng tuần với Ngân hàng SCB để kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để kịp thời hỗ trợ thanh khoản.

Việc kiểm soát đặc biệt và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện - Ảnh: T.T.D

Theo báo cáo gửi Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 01 và tình hình kinh tế xã hội tháng 1-2023, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, thận trọng, linh hoạt. 

Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. 

Đặc biệt, công tác giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng tiếp tục được tăng cường. Trong kỳ, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản chỉ đạo, cảnh báo với một số ngân hàng thương mại về một số rủi ro trong hoạt động huy động vốn, cấp tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Trong đó, riêng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), tiếp tục theo dõi sát hoạt động của SCB để kịp thời hỗ trợ thanh khoản cho SCB theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. 

Ngân hàng Nhà nước cũng họp giao ban hàng tuần với Ban kiểm soát đặc biệt và SCB để nắm tình hình, tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế. 

Dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5%, Ngân hàng Nhà nước cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14-15%. 

Theo đó, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. 

Đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, trên cơ sở tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT giao thông. 

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, đến ngày 13-1 huy động vốn tăng 0,34%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,37% so với cuối năm 2022. /.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích