Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM học cách chế tạo flycam. Ảnh: ĐÀo Ngọc Thạch
Triết lý giáo dục (GD) là những tin tưởng, giá trị và nhận định về GD từ lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế. Nó là nền tảng để đưa ra mục đích, mục tiêu và trọng tâm phát triển của một tổ chức GD. Mỗi triết lý GD đều có ưu - khuyết điểm của nó, vì vậy việc chọn cái nào là tùy thuộc vào tầm nhìn và mục tiêu đào tạo của từng tổ chức GD.
Có thể làm việc bất kỳ nơi nào trên thế giới
Hệ thống GD VN ảnh hưởng bởi triết lý GD chuyên sâu của hệ thống GD Nga lâu nay. Học sinh giỏi có cơ hội được vào trường chuyên từ cấp trung học. Điều này đem lại một số thành tựu như số lượng huy chương đạt được trong các cuộc thi Olympic toán, lý… thường cao hơn các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, liệu rằng triết lý GD chuyên sâu còn phù hợp trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0?
Nhiệm vụ của GD đại học là đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong tương lai chứ không phải hiện tại. Sinh viên nhập học năm nay thì 4 - 5 năm nữa mới bước chân vào thị trường lao động. Để giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn trong việc nên chọn lựa triết lý GD nào cho phù hợp, hãy tìm hiểu những thử thách sinh viên VN sẽ đối diện trong tương lai.
Trong thập niên qua, chúng ta đã nhìn thấy ảnh hưởng của toàn cầu hóa trong thị trường lao động ở VN. Số lượng người nước ngoài vào VN giữ những chức vụ quản lý doanh nghiệp ngày càng nhiều. Theo đó, thị trường nhân lực cấp cao trong doanh nghiệp ở VN ngày càng bị cạnh tranh khắc nghiệt. Do đó, sinh viên VN không nên giới hạn công việc làm ở trong nước mà cần trở thành công dân toàn cầu bằng cách chuẩn bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Trong bối cảnh kỷ nguyên của cách mạng 4.0, robot, internet vạn vật, tự động hóa sẽ thay đổi thị trường lao động với tốc độ chưa từng có. Một số công việc có thể sẽ biến mất trong 5 - 10 năm. Điển hình xe tự lái sẽ trở nên thông dụng trong vài năm tới, lúc ấy nghề lái xe taxi và xe tải sẽ biến mất không chỉ ở Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới. Một thí dụ khác, nhiều công việc trong kế toán sẽ được tự động hóa, công việc của một kế toán viên sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. Do đó điều tối quan trọng là trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của môi trường công việc và thị trường lao động.
Thay đổi không phải nguy cơ mà là cơ hội
Một trong những kỹ năng cần thiết đó là coi thử thách của sự thay đổi trong cuộc sống không phải là nguy cơ mà là cơ hội để học hỏi - kỹ năng học suốt đời.
Làm thế nào để đào tạo sinh viên có khả năng học hỏi suốt đời? Con người thường càng lớn càng mất đi khả năng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống. Điều này thể hiện rất rõ với những gia đình VN khi di dân ra nước ngoài. Trẻ em dưới 10 tuổi chỉ cần vài tháng là có thể hòa nhập với cuộc sống mới. Còn người lớn thì mất nhiều năm và có người không thể hội nhập được. Vì vậy, cần khuyến khích sinh viên khi còn đi học nên có nhiều trải nghiệm cũng như kiến thức ở nhiều khía cạnh khác nhau, không nên chỉ biết học và học một ngành chuyên sâu. Bởi những trải nghiệm đó cũng là học hỏi, thậm chí còn mang lại nhiều bài học giá trị. Ngoài ra, sinh viên cần có kiến thức bao quát ngoài chuyên môn để có khả năng nâng cao kiến thức mới bằng cách tự học do nhu cầu công việc khi cần thiết mà không phải sợ hãi khi phải đối diện với những vấn đề không nằm trong chuyên môn của mình.
Theo một nghiên cứu gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2020 kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp (complex problem solving) cần thiết cho trên 36% của tất cả công việc ở mọi lĩnh vực và nó sẽ là kỹ năng cốt lõi quan trọng hàng đầu cho các nghề có lương cao. Đó là vì robot và tự động hóa với trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp mà giới hạn, điều kiện, hay giải pháp không có định nghĩa rõ ràng. Các bài toán phức tạp này thường đòi hỏi khả năng hiểu biết vấn đề đa ngành, đa chiều và có khi đa văn hóa hoặc có tính vùng miền.
Từ những thử thách cũng như nhu cầu của thị trường lao động nêu trên, triết lý GD khai phóng với mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu sẽ ngày càng quan trọng trong GD đại học trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn thế nữa với phát triển của công nghệ AI, robot sẽ có khả năng phân tích quy trình học tập của từng cá nhân và từ đó đề xuất phương pháp cũng như chương trình đào tạo thích ứng nhằm phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân đó. Cá nhân hóa đào tạo này cũng sẽ trở nên quan trọng trong triết lý GD./.
Đào tạo “sâu” hay “rộng” ?
Tranh luận về triết lý GD đại học nên bao quát (rộng) hay chuyên sâu (sâu) không có gì mới mẻ và xảy ra ở mọi quốc gia.
Đào tạo rộng: Đây là triết lý của nền GD khai phóng. Sinh viên có kiến thức bao quát trước khi quyết định học sâu vào một ngành nào đó và sự linh động của chương trình đào tạo cho phép sinh viên khả năng học thêm các ngành phụ (minor) hoàn toàn khác với ngành chính (major) và kể cả thêm bằng cử nhân ngành khác mà không phải mất thêm 4 năm nữa. Mỹ áp dụng triết lý GD này không những cho GD phổ thông, đại học mà kể cả cao học.
Đào tạo sâu: Sinh viên chọn ngành từ khi bước chân vào đại học và tập trung vào các lớp của ngành đó theo một chương trình khung. Vì thời gian đào tạo như nhau, sinh viên sẽ có kiến thức chuyên môn sâu hơn so với sinh viên đào tạo theo diện rộng. Anh quốc áp dụng triết lý GD này cho GD đại học và nhờ vậy mà một số chương trình đào tạo cử nhân có thể rút ngắn còn 3 năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây một số đại học lớn ở Anh như University College London xây dựng chương trình đào tạo cử nhân dựa trên triết lý GD khai phóng với mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu.
|
Theo thanhnien.vn