Tiếng Việt | English

22/02/2023 - 09:01

Cần quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ em

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi hoang mang trước sự việc nữ sinh lớp 7 (mới 13 tuổi) tại tỉnh Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm. Điều đáng nói là trong suốt quá trình mang thai, cả cha mẹ, thầy, cô, người thân đều không biết. Vụ việc này khiến nhiều người giật mình nhìn lại vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em độ tuổi học đường.

Theo số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, nước ta có gần 300.000 ca phá thai, chủ yếu là người từ 15-19 tuổi. Trong số đó, 20-30% chưa kết hôn và 60-70% số ca nạo, phá thai đang là học sinh, sinh viên.

Việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đến việc học tập, sự nghiệp, tương lai của các em gái. Vậy nhưng, có vẻ như người lớn vẫn chưa quan tâm sát sao vấn đề này.

Không ít cha mẹ hàng ngày chỉ quan tâm đến việc làm ăn, học hành, ăn uống của con nhưng lại rất thờ ơ với vấn đề giáo dục giới tính, tâm, sinh lý. Nhiều phụ huynh còn cho rằng, giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”. Bên cạnh đó, công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản trong nhà trường, nhất là đối với lứa tuổi vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều thầy, cô ở trường còn e ngại hoặc chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh này, để các em “tự tung, tự tác”, dẫn đến hệ lụy đau lòng.

Sự việc trên là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc làm cha mẹ và thầy, cô phải nhìn lại xem mình đã quan tâm đúng mức, có trách nhiệm với các em hay chưa? Đó cũng là lời nhắc nhở để các phụ huynh, giáo viên phải sâu sát, gần gũi hơn nữa đến con trẻ, học sinh của mình, nhất là khi các em ở độ tuổi mới lớn, có nhiều sự thay đổi cả về tâm, sinh lý và thể chất.

Để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả những sự việc đau lòng như trên, cha mẹ cần quan tâm, bảo ban con mình nhiều hơn; có những biện pháp giáo dục, định hướng tâm lý cho con. Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính và bình đẳng giới cho học sinh. Trong đó, chú trọng giáo dục những kỹ năng sống, tự bảo vệ, phòng ngừa đối với xâm hại tình dục trẻ em.

Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động lành mạnh nhằm tạo định hướng và phát triển nhân cách các em, tránh xa những mối nguy cơ xâm hại tình dục. Đặc biệt quan trọng là sự phối hợp giữa trường học, gia đình, các đoàn thể, chính quyền địa phương và các lực lượng xã hội trong công tác quản lý, giáo dục cho học sinh về giới tính, tâm, sinh lý. Các học sinh cũng cần chuẩn bị cho mình hành trang, kiến thức về giới, tình cảm, sức khỏe để tự bảo vệ bản thân.

Với trách nhiệm của mình, các bậc làm cha mẹ, thầy, cô hãy chủ động vào cuộc. Bởi, khi có sự quan tâm, gần gũi thường xuyên, phụ huynh, giáo viên mới kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng cho con trẻ, học sinh về kỹ năng xử lý các mối quan hệ; đồng thời, giáo dục kiến thức về giới tính, pháp luật đầy đủ nhằm giúp các em hiểu biết hơn về tâm, sinh lý tuổi mới lớn, từ đó có lối sống lành mạnh,... Có như vậy mới phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả những sự việc đau lòng như trên./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết