Hầm đất đang được doanh nghiệp khai thác bị người dân phản ánh vì cho rằng đó là nguyên nhân làm cho mạch nước ngầm ở khu vực bị ảnh hưởng
Khai thác quá sâu
Từ lâu, câu chuyện khai thác hầm đất ở huyện Đức Hòa là vấn đề được đặt ra để chấn chỉnh những tồn tại. Đặc biệt, việc DN khai thác hầm đất vượt độ sâu cho phép, khai thác xong nhưng không thực hiện các bước đóng hầm như trồng cây xanh, hàng rào, lắp đặt biển cảnh báo,... gây bức xúc trong người dân, báo chí phản ánh nhiều lần. Lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm.
Tuy nhiên, gần đây, ở khu vực ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, đang xảy ra chuyện người dân phản ứng DN khai thác hầm đất. Nguyên nhân phản ánh là do người dân nghi ngờ việc khai thác hầm đất quá sâu làm ảnh hưởng mạch nước ngầm, hút hết nước về chỗ trũng dẫn đến giếng khoan của nhiều hộ ở đây không bơm được nước hoặc bơm được quá ít.
Ông Huỳnh Công Long cho biết: “Từ trước đến nay, tôi vẫn sử dụng nước từ giếng khoan để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vậy mà, từ hơn 1 tháng nay bỗng dưng giếng khoan nhiều nhà bị mất nước, tụt nước bất thường, dù máy bơm hoạt động liên tục nhưng lượng nước bơm lên rất ít”. Cũng vì thiếu nước nên đất đai đành phải để không. Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, cây cối trong vườn nhà của nhiều hộ dân ở đây cũng đang héo khô vì thiếu nguồn nước tưới.
Hầm đất đang khai thác ở gần khu vực này có diện tích hơn 20ha. Theo quy định cho phép chỉ cho khai thác độ sâu tối đa 10m, thế nhưng theo người dân, DN khai thác quá sâu, có nơi sâu hơn 20m. “DN không chỉ khai thác vượt quá độ sâu cho phép mà còn hút, sàng lấy cát đem bán” - bà Nguyễn Thị Thu Giang phản ánh.
Trước việc nhiều giếng khoan mất nước, hụt nước bất thường, sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, nhiều người đã ra hầm đất phản ứng, ngăn cản và yêu cầu DN ngưng khai thác, đồng thời tiếp tục làm đơn gửi ngành chức năng cầu cứu. Được biết, xã Tân Mỹ cũng cử cán bộ xuống tìm hiểu và họp dân để trao đổi, lắng nghe tâm tư, phản ánh. Tuy nhiên, theo người dân, đại diện chính quyền xã giải thích, khai thác hầm đất của DN ở khu vực là do cấp tỉnh cấp phép nên sẽ báo cáo về trên.
Đào hố hạ máy bơm
Trước việc các giếng khoan bị mất nước đột ngột, hụt nước bất thường, nhiều hộ đã nghĩ ra cách đào hố sâu để hạ máy bơm xuống với hy vọng sẽ hút được nguồn nước mạnh hơn. Chẳng hạn như các hộ: Huỳnh Công Long, Trịnh Văn Cảnh, Trần Thị Hồng Thắm,... đều đã đào những hố sâu trên 1-2m để hạ máy bơm. Thế nhưng, việc bơm được nước cũng rất yếu ớt, máy bơm phải tắt, bật liên tục và tốn nhiều tiền điện. Trong khi đó, gia đình anh Đào Văn Được ở gần hầm đất thì bỏ hẳn giếng khoan vì không còn bơm được nước mà phải đi xin nước từ nhiều nhà hàng xóm.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã - Trần Thị Ngọc Sương cho biết, chính quyền đã nắm được phản ánh của người dân và xuống gặp gỡ, tìm hiểu, nắm bắt tình hình, báo cáo về cấp trên. Tuy nhiên, theo bà Sương, việc khai thác hầm đất này của DN có ảnh hưởng đến giếng khoan, mạch nước ngầm mà người dân đang khai thác hay không thì phải kiểm tra, đánh giá.
Người dân đào hố sâu hơn đầu người để hạ máy bơm xuống với hy vọng hút được nước mạnh hơn
Hiện nay đang mùa khô, trước việc thiếu nước như trên, địa phương sẽ tiến hành khảo sát và có hướng giải quyết bằng cách cho dẫn nước từ kênh thủy lợi Phước Hòa vào trong khu vực này để phục vụ sản xuất. Đối với nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân khai thác từ các giếng khoan hiện rất yếu, tuy nhiên vẫn còn có để sử dụng.
“Thời gian qua, chúng tôi đã lập biên bản về việc DN khai thác cát ở hầm đất và báo cáo về trên. DN khai thác hầm đất là Công ty TNHH Thành Hữu Nghị, thời gian khai thác 7 năm (đến tháng 11/2023). Sở Tài nguyên và Môi trường nắm rõ, đầy đủ hơn về việc cấp phép khai thác hầm đất và độ sâu khai thác” - bà Sương cho biết.
Trong khi đó, theo thông tin từ người dân, trước đây, hầm đất này thuộc bãi vật liệu số 1, được khai thác để thực hiện dự án thủy lợi Phước Hòa. Hồi đó, khai thác độ sâu chưa tới 10m, tuy nhiên, sau khi công trình xong, những năm qua, DN tư nhân là Công ty TNHH Thành Hữu Nghị được cấp phép tiếp tục khai thác hầm đất này./.
Lê Đức