Tiếng Việt | English

06/05/2024 - 06:46

Gieo sạ đúng lịch để vụ lúa Hè Thu 2024 thắng lợi

Để sản xuất vụ lúa Hè Thu (HT) 2024 hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An xây dựng lịch thời vụ gieo sạ cụ thể cho từng vùng. Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Long An, nông dân tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh vẫn xuống giống ngay sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân 2023-2024. Điều này dễ dẫn đến bùng phát các loại sâu, bệnh gây hại, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng lúa.

Nhiều diện tích gieo sạ ngoài lịch thời vụ

Toàn tỉnh có hơn 85.320ha lúa Hè Thu 2024 nông dân gieo sạ sớm ngoài lịch thời vụ

Không tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, nông dân tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh vẫn xuống giống vụ HT 2024 ngay sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Theo thống kê, đến nay, nông dân gieo sạ hơn 85.320ha, bằng 39,7% kế hoạch, bằng 78,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đã thu hoạch 12.913ha, năng suất khô ước đạt 70 tạ/ha, sản lượng 90.344 tấn.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng, đến đầu tháng 5-2024, toàn huyện có gần 25.280ha lúa HT, bằng 68,3% kế hoạch, tập trung nhiều ở các xã vùng trũng thấp như Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B,... Các trà lúa chủ yếu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đòng trổ.

Dù đã được khuyến cáo không nên xuống giống sớm vụ lúa này nhưng ông Võ Văn Thà (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) vẫn gieo sạ do lo ngại lũ có thể về sớm, gây thiệt hại. Ông Thà bộc bạch: “Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2023-2024, tôi tranh thủ làm đất, vệ sinh đồng ruộng và xuống giống 4,5ha lúa HT để đề phòng lũ về sớm gây thiệt hại. Biết rằng gieo sạ sớm có nguy cơ cao bị dịch hại nhưng do đất của tôi nằm trong khu vực đê bao chưa khép kín nên tôi mạo hiểm gieo sạ”.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ chia sẻ: “Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương khuyến cáo nông dân không nên gieo sạ liên tục, cần cho đất nghỉ ngơi để hạn chế nguồn bệnh lây lan từ vụ mùa trước sang. Đối với các diện tích nông dân đã gieo sạ, ngành khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sâu, bệnh và phòng, trừ kịp thời”.

Còn tại huyện Mộc Hóa, đến đầu tháng 5/2024, toàn huyện gieo sạ hơn 1.300ha lúa HT. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam thông tin: Hiện trên địa bàn huyện có một số diện tích lúa HT 2024 nông dân gieo sạ sớm, tập trung ở các xã vùng trũng thấp của huyện. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân tạm ngưng gieo sạ và chủ động vật tư, lúa giống để gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ của huyện.

“Để bảo đảm vụ lúa HT 2024 đạt thắng lợi, huyện tập trung tuyên truyền, vận động nông dân cày ải, làm đất, vệ sinh đồng ruộng,... để tiêu diệt mầm bệnh, gieo sạ theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo. Bên cạnh đó, độ mặn trên các sông vẫn tiếp tục tăng và xâm nhập sâu vào nội đồng, hiện độ mặn 1g/l trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt qua kênh Cái Dứa, xã Bình Hòa Đông. Ngành Nông nghiệp huyện tập trung theo dõi và có những thông tin, khuyến cáo trong sản xuất đến nông dân” - ông Nguyễn Thanh Nam thông tin thêm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, việc gieo sạ không theo kế hoạch dễ dẫn đến bùng phát các loại sâu, bệnh gây hại trên cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng lúa. Do đó, nông dân cần chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tích cực theo dõi, chăm sóc cây lúa để kịp thời phát hiện, xử lý sâu, bệnh gây hại, bảo đảm sản xuất hiệu quả.

“Đối với các trà lúa HT đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, nông dân cần quản lý tốt cỏ dại, bọ trĩ và ốc bươu vàng gây hại. Trong đó, lưu ý hạn chế để ruộng bị khô nước khi gặp thời tiết nắng nóng, vì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh và gây hại nặng” - ông Nguyễn Văn Cường khuyến cáo.

Cần gieo sạ theo lịch khuyến cáo

Thời điểm này, tại các huyện phía Nam của tỉnh như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa,... độ mặn trên các tuyến sông chính vẫn đang rất cao. Trong khi đó, nguồn nước còn lại trên các tuyến kênh nội đồng không nhiều. Nông dân vẫn phải chờ mưa xuống để gieo sạ vụ HT 2024.

Nông dân huyện Tân Trụ cày ải đất, chuẩn bị gieo sạ vụ Hè Thu 2024

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ, theo kế hoạch, vụ HT 2024, toàn huyện gieo sạ khoảng 5.000ha lúa. Thời điểm này, nông dân tập trung cày ải, làm đất, chuẩn bị vật tư để gieo sạ khi  mưa xuống.

Ông Trần Văn Vũ (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) nói: “Lúa Đông Xuân  2023-2024 đã thu hoạch hơn 1 tháng, năng suất đạt khoảng 7,5 tấn/ha, khá cao so với các vụ trước. Sau khi thu hoạch, tôi chủ động dọn rơm rạ, cày ải, đợi mưa xuống sẽ gieo sạ vụ HT 2024”.

Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước tại các cống đầu mối để chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất

Theo bản tin dự báo nguồn nước phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước (từ ngày 02 đến 09/5/2024) của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn có xu thế tăng và kéo dài đến hết tuần dự báo, chiều sâu xâm nhập mặn 4g/l khi cao nhất cách cửa sông từ 45-58km. Các địa phương cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, tranh thủ lấy nước khi có thể để chủ động thích ứng với kỳ mặn cao từ ngày 07 đến 10/5/2024.

Đặc biệt, chú ý nửa đầu tháng 5/2024, hạn, mặn còn cao, các địa phương nên cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích vụ HT 2024 để góp phần giảm nhu cầu nước và hạn chế xâm nhập mặn vào sâu vùng cửa sông ven biển. Trong tháng 5 và tháng 6 dự báo sẽ có mưa, nguồn nước sẽ dồi dào, việc xuống giống sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Thông tin từ Sở NN&PTNT, theo kế hoạch sản xuất vụ HT 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ 216.000ha. Dự kiến thời vụ xuống giống theo 3 đợt, đợt 1 từ ngày 24/4 đến 04/5, đợt 2 từ ngày 22 đến 31/5, đợt 3 từ ngày 20 đến 30/6/2024.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng, trừ sâu, bệnh

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, đề xuất của doanh nghiệp, có khả năng xuất khẩu cao, thu mua trong vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; cần chú ý gieo sạ các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình hạn, xâm nhập mặn, phèn; các giống lúa chống chịu với rầy nâu, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ như OM18, OM4900, OM5451, Đài thơm 8,  ST24, ST25,...

Ngành cũng lưu ý các địa phương bố trí nhóm giống có cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng nước tưới tiết kiệm và quản lý sâu, bệnh trên diện rộng đạt hiệu quả; tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha; đồng thời, chủ động khơi thông dòng chảy, nạo vét các trục kênh, sửa chữa các cống điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, nông dân cũng cần vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và cắt đứt nguồn bệnh; áp dụng các quy trình canh tác lúa bền vững như “1 phải, 5 giảm”; “3 giảm, 3 tăng”; tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP; IPM hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận.

“Để sản xuất lúa vụ HT 2024 đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương xây dựng lịch gieo sạ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời, ngành khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt nhằm hạn chế sâu, bệnh gây hại. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra hệ thống thủy lợi, chủ động củng cố, cải tạo các tuyến kênh nội đồng, đê bao, bờ bao và tích cực theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn để khuyến cáo kịp thời cho nông dân” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết