Tiết mục tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ 25
Tri ân Nghệ nhân, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại
Nghệ nhân, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại - người được giới tài tử thường gọi với cái tên kính mến là cụ Ba Đợi, là một trong những nghệ nhân có công gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Cụ thể, nhạc sư cùng với một số nghệ nhân đã chỉnh lý, bổ sung, hoàn chỉnh 20 bài bản tổ, sáng tác 8 bài ngự và truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Cần Đước tổ chức Liên hoan ĐCTT Nam bộ tỉnh Long An lần thứ 25, năm 2019, tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ). Tại đây, Ban Tổ chức và 12 ban ĐCTT Nam bộ lần lượt thắp nén nhang tưởng nhớ bậc tiền hiền. Và hoạt động này được duy trì 25 năm qua, từ đó trở thành một nét văn hóa riêng, gắn liền với tín ngưỡng của người dân Cần Đước nói riêng, Long An nói chung.
Bà Bùi Thị Huệ (Ban ĐCTT tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Có dịp tham gia Liên hoan ĐCTT Nam bộ, tôi mới tìm hiểu nhiều về Nghệ nhân, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Quả thật, sự đóng góp của ông trong bộ môn nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ rất lớn. Tại đây, tôi còn biết thêm nhiều nghệ nhân dân gian tên tuổi của tỉnh Long An như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Thanh, Nghệ nhân dân gian Lê Thị Kim Hồng,...”.
Không chỉ tri ân Nghệ nhân, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại bằng việc dâng nén nhang tưởng nhớ mà Liên hoan ĐCTT Nam bộ lần 25 còn mở rộng hình thức dự thi. Theo đó, Ban Tổ chức yêu cầu các ban ĐCTT phải bố trí hát nhiều bài của Nghệ nhân, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Bảo tồn, gìn giữ và phát huy
Trong không gian làng quê Nam bộ, tiếng đờn trầm bổng cùng tiếng ca ngọt ngào, với giai điệu khúc Nam xuân, Đảo ngũ cung, Ngũ đối hạ,... trong 20 bài bản tổ quen thuộc vang lên, tạo cảm xúc thư thái, bình dị cho người đờn, người ca và cả người nghe.
Bà Lý Thị Thanh Tuyền (Ban ĐCTT tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Liên hoan ĐCTT Nam bộ tại Long An. Cảm nhận của tôi khi đến với liên hoan là không gian rất bình dị, thơ mộng, đậm chất quê hương. Trước đây, tôi học ca tài tử chủ yếu trên mạng nên sắc chữ, sắc nhịp chưa theo đúng hơi điệu của bộ môn ĐCTT. Thông qua liên hoan, tôi học được rất nhiều điều bổ ích, từ đó sẽ tiến bộ trong lời ca, tiếng hát”.
Liên hoan ĐCTT Nam bộ tỉnh Long An lần thứ 25 diễn ra trong 2 đêm 20 và 21/02/2019, với sự tham gia của 12 ban ĐCTT đến từ các tỉnh: Vĩnh Long, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai,...Tham gia liên quan, các ban ĐCTT sẽ biểu diễn 4 tiết mục, gồm hòa đờn ca vọng cổ nhịp 16 hoặc nhịp 32, hòa tấu bài Ngự, ca ra bộ và hòa đờn ca giống nhau 1 trong 3 điệu thức.
Đến với liên hoan, các tài tử được Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Đồng bằng sông Cửu Long - Nguyễn Minh Tuấn truyền đạt những kinh nghiệm, chỉ ra những chỗ chưa hay của các ban ĐCTT. Điều đó sẽ giúp các ban ĐCTT rút được kinh nghiệm thực tế, góp phần đưa phong trào ĐCTT ngày càng lan tỏa.
ĐCTT Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, đến nay trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân Nam bộ. Theo đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ không còn là trách nhiệm của riêng ai. Chính vì vậy, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan ĐCTT Nam bộ là một cách gìn giữ, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Liên hoan ĐCTT Nam bộ là dịp để các Ban ĐCTT, nghệ nhân tài tử giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật; đồng thời, tôn vinh những tập thể, cá nhân có công bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật ĐCTT”.
Liên hoan ĐCTT Nam bộ diễn ra với sự tranh tài sôi nổi của các ban ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Điều này khẳng định, liên hoan là nơi hội tụ nhiều tài tử, từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật “độc nhất vô nhị” của nhân loại./.
Lê Ngọc