Tiếng Việt | English

06/10/2023 - 09:31

Giữ nếp nhà

Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng mẫu số chung cho một mái nhà hạnh phúc vẫn là tình yêu thương, sẻ chia và biết nhẫn nhịn. Đó cũng là cách các gia đình giữ nếp nhà.

Gia đình chị Hứa Thị Thanh Tâm hạnh phúc bên nhau

Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê

“Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê” là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của vợ chồng chị Hứa Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lộc Giang (huyện Đức Hòa).

Chị Hứa Thị Thanh Tâm và anh Lê Văn Tình kết hôn năm 2009 và có 2 người con gái. Con lớn học lớp 7, con nhỏ học lớp 1. Chị Tâm chia sẻ: “Ông bà ta thường nói “Một điều nhịn, chín điều lành” hay “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. “Nhẫn” trở thành cách cư xử trong quan hệ giữa con người với con người, nhất là trong gia đình. Một gia đình có êm ấm, hòa thuận hay không phần lớn do sự nhẫn nhịn quyết định. Đặc biệt, trước bất cứ vấn đề nào, vợ chồng cũng nên trao đổi, thỏa thuận cùng nhau, không tự làm theo ý mình”.

Đều là công chức nhà nước nên thời gian vợ chồng chị dành cho các con chủ yếu vào buổi tối khi cùng ăn cơm, chơi với con, dạy con học. Anh chị thỏa thuận với nhau quan điểm dạy con là không đòn roi từ khi còn nhỏ.

“Tôi không muốn tuổi thơ của con bị ám ảnh bởi đòn roi. Con gái lớn đang ở tuổi dậy thì, tôi cho con không gian riêng và thường xuyên tâm sự để hiểu con hơn. Đối với con gái nhỏ, sau bữa cơm tối, tôi và chồng thay phiên chơi cùng, dạy con học. Tôi cũng dạy con tính tự lập như gấp quần áo, phụ cha mẹ dọn cơm, lấy chén đũa. Khi con sai, tôi khuyên nhủ chứ không la rầy” - chị Tâm thổ lộ.

Trong cuộc sống hàng ngày, dù bận rộn, anh chị vẫn duy trì bữa cơm gia đình, nhất là bữa cơm tối. Và đó cũng là bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình của vợ chồng chị Tâm. Hôm nào chồng về sớm thì nấu cơm, vợ đón con. Chồng nhặt rau thì vợ dọn dẹp nhà,... rồi cả nhà cùng ăn tối. Vợ chồng cùng chia sẻ nhau việc nhà để thêm gắn kết tình cảm.

“Khi bước vào cuộc sống hôn nhân thì sự tự tôn, “cái tôi” hãy hạ xuống để đặt cái chung lên hàng đầu. Lúc này, không còn cái này “của anh”, cái này “của em” mà là của “chúng ta”. Đôi lúc, vợ chồng mâu thuẫn, nói chuyện không hợp nhau, cả tôi và chồng cho nhau không gian riêng, thời gian để suy nghĩ và kiềm chế “cái tôi” lại. Cũng nhờ đó mà vợ chồng tôi không bao giờ giận nhau quá lâu. Vợ chồng muốn sống hạnh phúc lâu dài với nhau thì cần lắm lòng bao dung!” - chị Tâm bày tỏ.

Cuộc sống vợ chồng hãy luôn biết nhường nhịn và sẻ chia. Muốn hôn nhân hạnh phúc thì cả vợ và chồng cần cùng nhau cố gắng, vì nhau mà hoàn thiện mỗi ngày. Cuộc sống hôn nhân giống một sợi dây phải được kéo hai đầu, người này nhường, người kia nhịn mới trọn vẹn hạnh phúc.

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) nhận thấy câu nói ấy thật ý nghĩa trong đời sống vợ chồng. Hơn 20 năm chung sống, vợ chồng chị mỗi người một việc nhưng cùng nhau chăm lo phát triển kinh tế và vun đắp hạnh phúc gia đình.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng cùng chuẩn bị vắt sữa bò

Tổ ấm của gia đình chị Hằng là căn nhà 3 gian gọn gàng với khoảng sân trước rộng, thoáng, trồng nhiều loại hoa kiểng được chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận. Mỗi ngày, chị đều dành thời gian chăm cho khu vườn nhỏ. Không chỉ trồng cây và hoa trong sân, chị còn cùng người dân trồng hoa dọc theo tuyến đường liên ấp, đoạn ngang qua nhà chị. Ai qua lại trên tuyến đường cũng khen đoạn đường qua nhà chị Hằng lúc nào cũng rực rỡ màu hoa hơn những đoạn khác.

Chị Hằng kể, vì chị và các thành viên trong gia đình đều muốn có không gian để thư giãn sau ngày làm việc nên dù bận vẫn dành thời gian trong ngày chăm vườn hoa, cây cảnh.

“Hoa và cây cảnh giúp thư giãn, thoải mái tinh thần. Khi trong lòng không vui thì ra sân ngắm hoa một lúc, tâm trạng sẽ tốt hơn” - chị Hằng nói.

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hằng đều dành chút thời gian chăm sóc vườn hoa trước sân nhà

Là “đầu bếp” chính trong nhà, mỗi ngày, chị dành thời gian nấu ăn, chuẩn bị những bữa cơm ngon, đủ chất cho cả gia đình. Thời gian còn lại, chị chăm sóc vườn, cùng anh ra đồng cắt cỏ, vắt sữa bò. Những câu chuyện chung, riêng, không đầu không cuối giữa anh chị khiến thời gian làm việc như ngắn lại và bớt phần vất vả. Vừa làm việc, anh Phạm Văn Cảnh (chồng chị Hằng) vừa nhắc: “Để mấy chuyện nặng lại anh làm, đừng cố rồi đau lưng đó!”.

Trong gia đình chị Hằng, tất cả mọi việc đều của chung các thành viên, ai cũng có trách nhiệm như nhau. Người nào làm tốt phần việc nào hơn sẽ chịu trách nhiệm chính phần việc đó, thành viên còn lại luôn sẵn sàng hỗ trợ. Mỗi thành viên đều biết rõ trách nhiệm, nghĩ cho nhau và đỡ đần nhau mọi việc.

Chị Hằng chia sẻ: “Phụ nữ sức khỏe không thể nào như nam giới nên hầu hết việc nặng nhọc trong nhà đều do chồng tôi đảm nhiệm. Tôi cố gắng chăm lo cho chồng con “bữa ăn, giấc ngủ”. Nói như vậy không phải là phân chia nhiệm vụ rạch ròi, không ai giúp đỡ ai, mà nghĩa là ai làm tốt việc gì sẽ nhận phần hơn trong việc đó”.

Chính sự yêu thương, gắn kết của anh chị là tấm gương để các con noi theo. Hai người con của anh chị đều ngoan ngoãn, lễ phép và thi đậu vào các trường đại học top đầu tại TP.HCM. “Một đứa đang học ngành Y, con gái út vừa trúng tuyển Đại học Kinh tế TP.HCM. Vợ chồng đều làm nông nên thấy các con chăm lo học tập, chúng tôi rất vui. Dù khó khăn cỡ nào cũng cố gắng chăm lo cho con đầy đủ” - chị Hằng nói. Thương con, anh chị lại cố gắng nhiều hơn để tăng nguồn thu nhập, đủ lo cho các con ăn học.

Và mỗi cuối ngày, khi mọi việc đã xong, anh chị cùng nhau ra ghế đá trước sân nhà ngồi uống trà, ngắm những bông hoa rực rỡ.

Cuộc sống trong gia đình chị Hằng, chị Tâm cứ nhẹ nhàng, đơn giản như thế nhưng hạnh phúc tràn đầy./.

Trà Long - Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích