Tiếng Việt | English

28/06/2023 - 06:17

Gia đình hạnh phúc - quốc gia thịnh vượng

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách của con người. Ông bà, cha mẹ sống đạo đức, chuẩn mực; con, cháu ngoan, học giỏi, thành đạt là điểm chung của nhiều gia đình hạnh phúc. Những gia đình hạnh phúc đó đã và đang đóng góp vào việc xây dựng xã hội phát triển. Đó có thể là những việc làm rất nhỏ, bình dị mỗi ngày nhưng mang lại những năng lượng tích cực và làm đẹp thêm cho đời.

Bà Lê Thị Khải và 5 người con của mình

Nuôi dạy con thành nhân, thành danh

Về lại khu phố Thủ Khoa Thừa 1, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, ghé gia đình bà Lê Thị Khải (91 tuổi) và nghe bà kể về chuyện xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như hành trình nuôi dạy các con thành nhân, thành danh.

Nhà của bà Khải ngay mặt tiền đường lớn nên không khó để kiếm tìm. Bà đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền lành và lời chào thân thiện, mến khách. Lớn tuổi nhưng bà khỏe và minh mẫn, đặc biệt là có trí nhớ rất tốt khi nhắc rành mạch về những chuyện xưa. Trò chuyện cùng bà, chúng tôi “lạc” vào những hồi ức, lúc bà còn trẻ, cùng chồng tảo tần nuôi các con ăn học thành tài.

Bà có 5 người con, lần lượt là Đặng Lê Dũng (62 tuổi), Đặng Lê Quang (61 tuổi), Đặng Lê Minh (59 tuổi) và Đặng Lê Phương Anh (56 tuổi). Cả 5 người con của bà đều tốt nghiệp trường đại học thuộc top đầu cả nước, hiện đã có tổ ấm riêng và đều thành đạt.

Bà Khải tâm sự: “Trải qua 2 cuộc chiến tranh, tôi hiểu rất rõ những khổ cực cũng như sự tàn khốc của nó. Từng là giáo viên, tôi càng ý thức hơn trong việc nuôi dạy các con ngoan, hiếu thảo và học giỏi. Bởi, chỉ có đức, tài mới làm nên một con người có ích cho xã hội và xây dựng sự nghiệp cho riêng mình”.

Từ khi các con còn nhỏ, bà và chồng luôn quan tâm, dạy các con những điều hay, lẽ phải, cách đối xử với ông bà, cha mẹ, anh em trong nhà cũng như hàng xóm, láng giềng. Trong việc học, bà theo sát, nhắc nhở, động viên các con cố gắng từng ngày. Khi đó, đồng lương của vợ chồng bà ít ỏi, bà phải làm thêm việc bán khoai, bánh kẹo, trái cây trước nhà để tăng thu nhập, lo cho các con chu đáo hơn. Chồng bà thì mở tiệm sửa xe, làm việc liên tục, không ngại khó khăn, vất vả. Chịu nhiều áp lực về cơm, áo, gạo, tiền nhưng bà chưa một lần nặng lời hay đánh các con. Bà muốn dùng sự dịu dàng, hiền từ của người mẹ để nuôi dạy ra các con sống chân thành, có lòng nhân hậu và biết ơn.

“5 người con của tôi đều đậu đại học trong lần đầu tham gia kỳ thi. Thời đó, gia đình có con đậu đại học rất ít nên tôi vui và tự hào lắm! Sau khi các con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, phát huy được năng lực, sở trường và có bản lĩnh để đứng vững giữa cuộc đời, tôi càng an tâm hơn. Có gia đình nhỏ cho riêng mình, được làm cha, làm mẹ, các con vẫn hiếu thảo như ngày còn nhỏ, nhất là tiếp nối truyền thống gia đình, nuôi dạy các cháu ngoan, học giỏi. Tôi có 10 người cháu nội, ngoại tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và 2 người cháu đang học đại học” - bà Khải chia sẻ.

Chồng bà mất năm 2015 nhưng bù lại cho sự thiếu thốn đó là sự quan tâm, hiếu thuận của các con, cháu. Dù công việc bận rộn nhưng các con của bà vẫn gọi điện thoại, về thăm bà thường xuyên. Có những hôm con gái út của bà dù tất bật công việc nhưng vẫn dành thời gian trở về nhà chỉ để ngủ cùng mẹ vài giờ rồi lại trở về TP.HCM làm việc. Các dịp lễ, tết, sinh nhật của bà, tất cả con, cháu lại tập hợp đông đủ và tiếng nói, cười rôm rả làm đại gia đình thêm ấm áp, hạnh phúc.

Chị Phương Anh (con gái út của bà Khải) tâm sự: “Tình yêu thương, sự hy sinh của mẹ là dòng chảy bất tận. Mẹ cho chúng tôi thừa hưởng gia tài vô giá, đó là cách sống, đạo đức và lòng hiếu thuận”.

Có thể thấy, cách bà xây dựng gia đình hạnh phúc đã đào tạo ra những người con có nhân cách tốt và tài giỏi, góp phần lan tỏa, nhân rộng những tấm gương sáng cho xã hội.

Làm gương cho các con

Gia đình ông Trần Tấn Đạt trò chuyện cùng nhau trong những lúc rảnh rỗi

Xây dựng hạnh phúc gia đình không khó khăn hay xa vời. Nó là những việc làm nhỏ, bình dị mỗi ngày, đặc biệt là sống đạo đức, chuẩn mực, làm gương cho các con. Đó cũng điều mà ông Trần Tấn Đạt (50 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Thảo (49 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) thực hiện mỗi ngày để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ông bà có 2 người con. Người con trai lớn tốt nghiệp Đại học Cảnh sát và đã có vợ, con; người con gái chuẩn bị lên lớp 9, ngoan, học giỏi. Để các con nghe lời cha mẹ, chăm chỉ học tập, làm việc và sống tốt, ông bà luôn tâm niệm phải làm gương cho các con mọi lúc, mọi nơi từ những việc làm nhỏ hàng ngày.

Gia đình ông bà chăn nuôi bò sữa và làm ruộng. Mỗi ngày, ông bà thường dậy từ 4 giờ 30 phút để vệ sinh chuồng, tắm bò và vắt sữa bò. Công việc đồng áng, cắt cỏ cho bò ăn, dọn dẹp nhà cửa, nấu các bữa cơm,... tốn hầu hết thời gian trong ngày của ông bà. Vất vả là vậy nhưng ông bà chưa bao giờ nản lòng. Bởi, thông qua sự chăm chỉ của mình, ông bà muốn dạy con phải biết lao động và trân trọng đồng tiền kiếm được.

Công việc từ ngoài đồng đến chuồng trại hay trong nhà, ông bà không phân biệt trách nhiệm của riêng ai. Cứ ai rảnh thì người đó làm, tất cả vì sự phát triển kinh tế của gia đình. Dù công việc bận rộn nhưng ông bà vẫn không quên quan tâm, bồi đắp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với các con. Có thời gian rảnh, ông bà cùng nhau tâm sự, chia sẻ, nhất là thảo luận về cách nuôi dạy, chăm sóc các con. Trong những bữa ăn hoặc lúc đưa, đón con đi học, ông bà thường thăm hỏi, động viên, lắng nghe con tâm sự cũng như chia sẻ với con về những câu chuyện của cha mẹ. Từ đó, các thành viên hiểu và yêu thương nhau hơn. Đôi lúc, ông bà có bất đồng quan điểm nhưng không bao giờ để sự việc đi quá xa.

“Những lúc mâu thuẫn, nếu vợ nóng thì tôi nhịn và ngược lại. Khi cả 2 bình tĩnh thì góp ý cho nhau cũng như giải thích rõ vấn đề mâu thuẫn để hiểu, thông cảm và giữ gìn gia đình hạnh phúc, vui vẻ, hòa thuận. Đặc biệt, vợ chồng tôi không bao giờ cãi nhau trước mặt các con vì sẽ làm các con lo lắng, ảnh hưởng xấu đến con” - ông Đạt cho biết.

Đối với con dâu, ông bà luôn xem như con gái ruột. Ông bà quan tâm, san sẻ việc chăm sóc cháu nội để con dâu và con trai an tâm làm việc. Chính sự yêu thương chân thành được thể hiện qua lời nói, hành động, gia đình ông bà luôn gìn giữ được hạnh phúc, trở thành một "tế bào" tốt cho xã hội.

Nhờ những gia đình hạnh phúc, giúp đào tạo ra những người con có đức, có tài, đóng góp cho sự phát triển xã hội văn minh, giàu đẹp./

An Nhiên

Chia sẻ bài viết