Tiếng Việt | English

02/01/2021 - 09:30

Giữ nghề truyền thống

Không biết nghề bó chổi (ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) và đan cần xé (ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) có từ khi nào, nhưng từ bao đời nay, thế hệ này đến thế hệ khác, người dân cứ truyền nghề cho nhau, góp phần giữ gìn nghề truyền thống đến hôm nay.

Nhộn nhịp xóm chổi vào xuân

Cứ theo thông lệ, đến tháng 10 Âm lịch, người dân xóm chổi ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn phải làm việc gấp 2 lần ngày thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tết. Theo đó, thời điểm này, chúng tôi chỉ cần đến đầu ấp đã nghe được tiếng quay dây cước vào nọc kêu ken két, tiếng danh chổi, tiếng xe chở nguyên liệu ra, vào,... hòa vào tiếng nói, cười vui vẻ của người dân làm cho xóm chổi thêm nhộn nhịp.

Nghề bó chổi ở ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An tạo thu nhập ổn định cho người dân

Bà Đoàn Kim Thương, ngụ ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tự hào nói: “Ấp Rạch Chanh có nhiều gia đình làm nghề bó chổi, trong đó chủ yếu làm chổi chà và chổi cỏ. Đây là 2 loại chổi làm nên thương hiệu xóm chổi Rạch Chanh, bởi chổi rất bền, chặt và đẹp nên có nhiều thương lái đặt hàng. Giá bán chổi cỏ dao động từ 60-80 ngàn đồng/cây, trong đó người thợ lời 30 ngàn đồng/cây; giá bán chổi chà 30-40 ngàn đồng/cây, trong đó người thợ lời 15-20 ngàn đồng/cây. Nhờ nghề bó chổi mà nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Theo người dân ấp Rạch Chanh, bó chổi rất đơn giản, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Người thợ làm giỏi thu nhập 300 ngàn đồng/ngày, còn người nào bận việc gia đình phải đưa rước con, cháu đi học cũng có thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày. Song, không phải ai cũng gắn bó lâu dài với nghề bó chổi, vì để làm ra một sản phẩm đẹp, bền, chặt đòi hỏi người thợ phải vừa khéo tay, tỉ mẩn, vừa phải dùng sức siết chặt.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (67 tuổi), ngụ ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, chia sẻ: “Tôi làm nghề bó chổi được 17 năm, bình quân mỗi ngày có thu nhập từ 150-170 ngàn đồng. Nhờ nghề bó chổi này, tôi vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hơn hết, dịp Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu thụ chổi của người dân cao nên giá chổi có nhích lên chút đỉnh, từ đó năm nào gia đình tôi cũng có thêm tiền vui xuân, đón tết”.

Sức sống bền bỉ theo thời gian

Ngược về ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, chúng tôi đến thăm làng nghề đan cần xé. Theo quan sát, trước nhà hoặc trong vườn, người dân ấp Hòa Hiệp 1 đều trồng một bụi tre, bụi trúc, góp phần làm nên nét đặc trưng của làng nghề đan cần xé và khẳng định sức sống bền bỉ của làng nghề theo thời gian.

Nghề đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông tồn tại đến hôm nay, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của quê hương 

Bà Nguyễn Thị Lo, ngụ ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, khẳng định: “15 tuổi, tôi đã biết đan thành thạo cần xé. Đến nay, tôi gắn bó với nghề này được 45 năm và chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, bởi nghỉ làm vài ngày là cảm thấy bứt rứt, nhớ nghề. Hơn nữa, đây là nghề truyền thống của ông bà nên phải giữ gìn”.

Một chiếc cần xé hoàn chỉnh phải trải qua 10 công đoạn: Gầy mê, lên mê, đan, léo, đóng quai, nẹp hông,... Tuy rành nghề nhưng những người thợ đan cần xé chưa bao giờ “dễ dãi”. Họ vẫn tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn để làm nên những chiếc cần xé đẹp, chắc. Cần xé An Ninh Đông vì thế luôn được khách hàng ưa chuộng, trong đó có nhiều công ty, thương lái tìm đến tận nơi đặt hàng, thu mua. Mỗi tháng, các người thợ đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1 cho ra thị trường trên 2.000 cần xé. Theo đó, mỗi ngày, người thợ lành nghề có thu nhập 120 ngàn đồng.

Đối với những hộ không có đất sản xuất thì đây là nghề chính, nuôi sống cả nhà. Đặc biệt, nghề đan cần xé không phân biệt độ tuổi lao động, người làm lâu năm thì kinh nghiệm càng nhiều, đan càng đẹp. Ông Hồ Văn Cạt, ngụ ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, cho biết: “Mặc dù nghề đan cần xé thu nhập không cao nhưng vẫn đủ trang trải cuộc sống. Với đầu ra ổn định, tôi tin rằng nghề đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1 vẫn sẽ có sức sống riêng, bền bỉ theo thời gian”.

Xã hội phát triển, nhiều thiết bị, máy móc được đầu tư để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song, nhiều người vẫn ưa chuộng sản phẩm thủ công truyền thống. Và điều này tạo điều kiện cho nghề bó chổi ở ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, nghề đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông tồn tại đến hôm nay, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của quê hương./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết