Tiếng Việt | English

11/09/2024 - 09:10

Giúp người trẻ tìm lý tưởng cách mạng giữa 'biển' thông tin

Sự việc một học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái), là thí sinh từng đoạt giải cao trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, có những phát ngôn thiếu suy nghĩ, thể hiện sự vô ơn với Đảng, Nhà nước, bày tỏ mơ ước sống và làm việc tại nước ngoài và coi đó là mục tiêu lớn nhất của mình, thay vì cống hiến cho quê hương, đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Vụ việc này không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về hiệu quả của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay.

Thực tế cho thấy, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên (TN) không đơn thuần là truyền đạt kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là quá trình khơi dậy ở các bạn trẻ tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu và khát vọng vươn lên, góp sức xây dựng quê hương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò đặc biệt của TN trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Theo Người, việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ phải được coi trọng hàng đầu, không chỉ nhằm mục tiêu phát triển tri thức mà còn đặc biệt là trau dồi đạo đức cách mạng và lối sống văn minh. Người từng nói: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Qua sự việc thí sinh cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có phát ngôn thể hiện sự vô ơn với đất nước, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan về những nguyên nhân dẫn đến sự việc này. Bên cạnh những yếu tố cá nhân như sự nông nổi, thiếu chín chắn của tuổi trẻ thì cách thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay cũng cần được nhìn nhận lại.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các bạn trẻ có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin sai lệch. Vì thế, nếu thiếu sự định hướng, thiếu tìm hiểu, các em dễ sa vào nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, dẫn đến suy nghĩ, hành động lệch lạc.

Thực tế này đòi hỏi công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên (HSSV) phải có sự đổi mới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay đôi khi còn mang tính hình thức khiến HSSV cảm thấy nhàm chán với những bài giảng lý thuyết khô khan.

Trong thời đại công nghệ số, khi mà mọi thông tin đều có thể tìm kiếm qua Internet thì việc giáo dục lý tưởng cách mạng cần áp dụng các phương pháp hiện đại, tạo ra các sản phẩm truyền thông hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các em.

Khi trực tiếp tham gia những câu lạc bộ, thực hiện những sản phẩm đa phương tiện trên nền tảng số, các em sẽ được tìm hiểu thông tin với sự định hướng của thầy cô. Qua quá trình tìm hiểu và lĩnh hội, HSSV sẽ ý thức được việc rèn luyện đạo đức, lối sống, từ đó công tác giáo dục lý tưởng cách mạng sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa, các chuyến đi thực tế cũng giúp HSSV hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống dân tộc, những thành tựu của đất nước.

Giáo dục lý tưởng cách mạng còn là tạo cơ hội cho người trẻ được giao lưu, trao đổi với các nhân vật tiêu biểu, những người có đóng góp cho đất nước. Qua đó, khuyến khích các em bày tỏ ý kiến nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về những lời nói của mình.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho HSSV không chỉ là công việc của nhà trường mà gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, chia sẻ với các con, giúp con hình thành những lối sống đúng đắn.

Ngoài ra, địa phương, Đoàn TN phải đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng gần gũi, thực tế, khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm của những người trẻ đối với xã hội.

Việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Chỉ khi chúng ta cùng nhau nỗ lực mới có thể xây dựng được một thế hệ trẻ Việt Nam vừa có tri thức, vừa có đạo đức, sẵn sàng cống hiến cho đất nước./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết