Giá phân bón tăng cao
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch xong vụ lúa Thu Đông năm 2021. Theo tính toán của nông dân, trong vụ này, lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều, bởi giá PB tăng cao. Ông Lương Chí Thành, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá PB liên tục tăng cao, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá từ 10 - 20%.
Phần lớn các loại phân bón trên thị trường đều tăng giá rất cao, có loại tăng gấp đôi
Chính do PB tăng cao nên sau 3 tháng trồng và chăm sóc, 2ha lúa Thu Đông của gia đình ông Thành chỉ thu về lợi nhuận chưa đến 10 triệu đồng, thấp hơn khoảng 70% so với vụ mùa trước. Ông Thành nói: “Chi phí sản xuất tăng nên nông dân sản xuất có lãi không cao, dù cho năng suất cũng tương đương với vụ Thu Đông năm trước. Mong các ngành chức năng sớm có chính sách để giảm giá PB”.
Cũng giống như ông Thành, ông Lê Văn Sáu (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Vụ Thu Đông vừa qua, nhiều loại PB tăng giá trên 60%, có loại tăng gấp đôi. Nếu tình hình này kéo dài, nông dân sẽ rất khó khăn. Nếu năm trước, với 1,6ha lúa, gia đình tôi chỉ bỏ ra từ 15 - 18 triệu đồng chi phí sản xuất thì vụ vừa rồi phải bỏ ra hơn 25 triệu đồng, vì vậy mà mất đồng lời”.
Anh Lê Văn Hồng, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, cho biết: Trước đây, phân Ure chỉ có khoảng 485.000 đồng/bao nay đã tăng lên hơn 840.000 đồng/bao; phân NPK tăng từ 530.000 đồng/bao lên khoảng 770.000 đồng/bao; phân DAP tăng mạnh với giá khoảng 1.000.000 đồng/bao. Anh Hồng chia sẻ: “Gia đình tôi vừa thu hoạch hơn 3ha lúa, do chi phí sản xuất tăng nên không có lãi. Vụ Đông Xuân tới, tôi đang xem xét giảm diện tích lúa nếu như giá phân, thuốc vẫn cao như hiện nay”.
Tại huyện Thạnh Hóa, nhiều nông dân trồng lúa, chanh, khóm cũng gặp khó do giá PB tăng cao. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình - Bùi Văn Khắp cho biết: “Hiện hầu hết diện tích chanh của HTX đều trong giai đoạn cho trái. Việc giá PB tăng cao đã gây khó khăn cho các thành viên. Trước đó, các thành viên HTX đã lặt bỏ bớt trái để dưỡng sức cho cây trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, thời gian này, các thành viên đang tích cực bón phân để cây cho trái trở lại. Hy vọng giá PB sớm bình ổn để các thành viên an tâm sản xuất”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết, từ tháng 5 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng vật tư đầu vào của ngành Nông nghiệp. Không chỉ riêng giá PB tăng cao mà giá vật tư nông nghiệp cũng tăng trong thời điểm này. Nhiều mặt hàng PB và vật tư nông nghiệp bị thiếu nguồn hàng vì các đầu mối kinh doanh không có sẵn PB số lượng lớn để giao cho cửa hàng do vận chuyển khó khăn. “Chi phí đầu tư sản xuất tăng trong khi giá cả thị trường nông sản có nhiều biến động. Điều này ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nông dân” - ông Kha cho biết thêm.
Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, phần lớn diện tích của tỉnh là đất sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng PB rất cao, đặc biệt là các huyện khu vực Đồng Tháp Mười. Thời gian qua, một số mặt hàng PB như phân Ure, DAP, Kali, NPK đã tăng giá từ quí I và đầu quí II năm 2021, với mức tăng 70 - 80% so cùng kỳ năm 2020.
Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân
Nhằm tự gỡ khó trước tình hình PB hóa học ngày một tăng cao, thời gian qua, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh đang dần chuyển sang các loại phân hữu cơ. Bởi, đây chính là sự lựa chọn phù hợp vào thời điểm này, góp phần cải thiện đất, giảm ô nhiễm môi trường, nhất là kéo giảm chi phí đầu vào trước cơn sốt giá PB đang ngày một gia tăng.
Giám đốc HTX Cây Trôm, huyện Vĩnh Hưng - Bùi Văn Tuấn cho biết: “Từ nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào ở địa phương, thời gian qua, HTX mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, sản xuất được phân hữu cơ lục bình. Từ đó, giúp HTX tự chủ về nguồn PB hữu cơ; đồng thời, sẽ kéo giảm được khoảng 30 - 40% chi phí sản xuất so với trước”.
Nông dân tập trung chăm sóc vụ lúa
Anh Phan Thanh Hưng, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, bộc bạch: “Bước đầu sử dụng, chúng tôi vẫn còn hoài nghi về chất lượng phân hữu cơ từ cây lục bình. Thế nhưng, trải qua 2 vụ sản xuất, chi phí giảm rất nhiều, lợi nhuận cao hơn so với các loại PB khác”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, từ giữa năm 2021, ngay khi nhận thấy giá PB có chiều hướng tăng, huyện chủ động nắm bắt tình hình sản xuất của nông dân và kiểm tra các cơ sở kinh doanh cung cấp PB, vật tư nông nghiệp để quản lý chất lượng, giảm rủi ro cho nông dân. Bên cạnh đó, ngoài bảo đảm nguồn cung PB, Phòng cũng tăng cường khuyến cáo nông dân sử dụng PB một cách hợp lý, tiết kiệm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Mặc dù giá PB đang cao nhưng nhờ chủ động khuyến cáo trước với nông dân nên tình hình sản xuất trên địa bàn vẫn tương đối ổn định. Qua nắm bắt tình hình, vụ lúa Thu Đông và mùa năm nay phát triển tốt. Đối với vụ lúa Đông Xuân, thời điểm hiện tại nông dân đã xuống giống hơn 3.700ha. Nông dân trồng lúa xuống giống đúng vụ, không có tình trạng vì giá PB cao mà bỏ trống đồng ruộng”.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh thông tin: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp sản xuất PB, với năng suất 2.152 tấn/ngày (tương đương 64.560 tấn/tháng). Giá PB thành phẩm đầu ra thời điểm hiện tại so với thời điểm trước khi dịch bệnh
Covid-19 bùng phát tăng từ 10-300%.
“Thông tin từ Nhà máy PB Bình Điền, nguồn nguyên liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp hiện bị hạn chế do phía Trung Quốc đóng biên giới. Doanh nghiệp đang sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ. Mặc dù một số công ty có nâng công suất (tăng sản lượng từ 30 - 40% so cùng kỳ) nhưng khả năng cung ứng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên giá cả vẫn có xu hướng tăng, nhưng mức tăng có giảm lại” - ông Thanh thông tin thêm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, vụ Đông Xuân sắp tới, toàn tỉnh sản xuất khoảng 223.000ha. Thị trường PB “nóng” ngay từ đầu vụ khiến nông dân gặp không ít khó khăn, vì đây là thời điểm nông dân phải tập trung bón phân cho cây trồng.
Trước tình hình này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, Sở đã và đang cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các đơn vị chuyên môn cùng các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất của cây trồng, mùa vụ để sử dụng PB hiệu quả nhất theo nguyên tắc “5 đúng”; khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường.
“Để giảm chi phí đầu vào do giá PB tăng, người dân nên áp dụng các quy trình canh tác: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”,… trong đó lưu ý giảm lượng giống gieo sạ, bón phân đúng theo quy trình, tận dụng các nguồn phân hữu cơ tại chỗ. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán PB nhằm kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa và hàng không bảo đảm chất lượng, hàng giả trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng” - ông Thiện cho biết thêm./.
Để giảm chi phí đầu vào do giá phân bón tăng, người dân nên áp dụng các quy trình canh tác: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”,... trong đó, lưu ý giảm lượng giống gieo sạ, bón phân đúng theo quy trình, tận dụng các nguồn phân hữu cơ tại chỗ”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện
|
Bùi Tùng