Tiếng Việt | English

27/10/2021 - 08:29

Nông dân gặp khó trong “cơn bão” giá phân bón

Từ đầu năm đến nay, giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón liên tục tăng cao trong khi nhiều nông sản “được mùa, mất giá” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nông dân gặp không ít khó khăn trong sản xuất.

Hiện nay, giá nhiều loại phân bón như Urê, DAP, Kali,... đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Cụ thể, phân Urê có giá từ 750.000-840.000 đồng/bao (50kg); phân DAP có giá từ 760.000-1.200.000 đồng/bao (50kg); phân Kali có giá từ 675.000-765.000 đồng/bao (50kg). Mức giá này đã tăng hơn 100% so cùng kỳ năm 2020. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, nguyên nhân giá phân bón tăng là do chi phí vận chuyển tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Dự báo trong thời gian tới, giá phân bón có thể tiếp tục tăng.

Giá phân bón tăng cao, trong khi giá nhiều loại nông sản lại không tăng, thậm chí còn giảm mạnh và khó tiêu thụ khiến nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Vì thế, ngành chức năng cần khẩn trương vào cuộc để có giải pháp bình ổn giá các loại phân bón; tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường phân bón để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón cần chia sẻ khó khăn với nông dân, đừng vì chú trọng lợi nhuận trước mắt mà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân và nền sản xuất nông nghiệp của nước ta. Doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản xuất; cân nhắc trong việc xuất khẩu phân bón, ưu tiên dành nguồn hàng phục vụ nhu cầu trong nước, có các chương trình bán hàng ưu đãi, hỗ trợ cho nông dân,...

Để vượt qua cơn “bão giá” các loại phân bón, nông dân cần căn cứ tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng chủng loại phân bón; đúng nhu cầu sinh lý của cây; đúng nhu cầu sinh thái; đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp), áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất; tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp như lá cây, rơm rạ, rác thải hữu cơ,... để ủ phân, tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, nông dân cần hướng tới tham gia xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Dự báo tác động của dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng đến các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, nông sản và giá của các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng và người sản xuất cần chuẩn bị sẵn sàng, chủ động các giải pháp, những cách làm sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, tránh để rơi vào tình thế bị động, gây tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến sản xuất, lợi nhuận và đời sống của nông dân, từ đó, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất chung của ngành Nông nghiệp./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết