“Trọng thầy hơn thợ”
Thời gian qua, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH) hoặc sau ĐH rất khó tìm được việc làm. Vậy mà, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn giữ quan điểm “trọng thầy hơn thợ” nên “quay lưng” với học nghề. Trong khi đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề lại có việc làm, trên 95%, với thu nhập rất ổn định.
Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Điển hình là 2 anh em Huỳnh Công Cương và Huỳnh Công Can, cùng học nghề Cơ khí tại Trường Cao đẳng Nghề Long An. Cương và Can tốt nghiệp, có việc làm ổn định. Huỳnh Công Cương đang làm tại Công ty TNHH một thành viên Trường Lực (tỉnh Đồng Nai) với mức lương hơn 11 triệu đồng/tháng. Huỳnh Công Can đang làm tại Cơ sở Cơ khí Cây Bàng (phường 4, TP.Tân An) với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng; ngoài ra, Can còn nhận hàng gia công buổi tối với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Tiếp bước con đường của 2 anh, em út Huỳnh Công Coàn đang học nghề Cơ điện tử tại Trường Cao đẳng Nghề Long An với mong muốn tay nghề vững chắc, nhanh chóng có việc làm với thu nhập ổn định như 2 anh.
Chưa giải quyết được khó khăn cũ, năm 2017, các trường nghề lại tiếp tục đứng trước những thách thức mới. Theo quy chế, thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH, Cao đẳng năm 2017 nên không “mặn mà” với học nghề. Mặt khác, hiện nay, một số trường ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh rất cao, chủ yếu xét tuyển theo kết quả học tập THPT. Đây là hai trong số những nguyên nhân mới khiến các trường nghề khó khăn trong khâu tuyển sinh.
Em N.T.L, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, là học sinh có học lực trung bình nhưng gia đình lại quyết tâm chọn cho em con đường ĐH thay vì học nghề. L. cho biết: “Năm học lớp 9, em có ý định đi học nghề nhưng gia đình nhất quyết không đồng ý. Em tham gia kỳ thi THPT quốc gia, may mắn vừa đủ điểm đậu, em tiếp tục xin đi học nghề vì rất thích nghề điện nhưng gia đình vẫn không đồng ý và bắt em nộp hồ sơ vào một trường ĐH ở TP.HCM”.
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm trở thành vấn đề quan tâm của xã hội. Vậy mà, nhiều gia đình vẫn còn “trọng thầy hơn thợ”. Hiện nay, vào ĐH lại quá dễ dàng, điều đó cũng đồng nghĩa cánh cửa việc làm ngày càng hẹp lại.
Càng khó, càng quyết tâm
Năm 2017, có thể nói là năm các trường nghề gặp khó khăn nhất trong công tác tuyển sinh. Thế nhưng, càng khó khăn, các trường nghề càng thể hiện sự quyết tâm. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Long An - Phạm Văn Thịnh chia sẻ: “So với những năm trước, năm nay, trường gặp khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh. Vì vậy, nhà trường đưa ra nhiều giải pháp: Cử cán bộ xuống tư vấn trực tiếp cho học sinh khối lớp 9 và 12; tư vấn học nghề cho phụ huynh trong các cuộc họp phụ huynh học sinh; thông báo tuyển sinh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; nắm thông tin của học sinh khối lớp 9 và 12 để đến tận nhà tư vấn tuyển sinh,... Đặc biệt, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời phối hợp tốt các doanh nghiệp, công ty nhằm bảo đảm 100% học sinh ra trường có việc làm ổn định. Đến nay, trường tuyển được 200/500 chỉ tiêu hệ cao đẳng; 250/400 chỉ tiêu trung cấp và 121/200 chỉ tiêu sơ cấp”.
Nhiều học sinh đến nộp hồ sơ tại Trường Cao đẳng Nghề Long AnKhông riêng Trường Cao đẳng Nghề Long An đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyển sinh dạy nghề mà Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc cũng có nhiều giải pháp. Đến nay, trường tuyển sinh vượt kế hoạch (281/250 chỉ tiêu). Đạt kết quả này, thời gian qua, trường phối hợp tốt chính quyền địa phương nắm danh sách học sinh tốt nghiệp THCS, từ đó, cử cán bộ xuống tận nhà tư vấn, đồng thời tư vấn tốt công tác tuyển sinh trong các lớp học cuối cấp.
Là một trong số những học sinh mạnh dạn đăng ký học nghề trong năm 2017 khi mới vừa tốt nghiệp THCS, em Trần Quốc Phong, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết: “Em thấy nhiều anh chị tốt nghiệp ĐH vẫn thất nghiệp, trong khi đó, học nghề được bảo đảm có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Từ đó, em mạnh dạn nộp đơn học nghề Công nghệ ôtô. Dự kiến sau khi tốt nghiệp, em học thêm tiếng Nhật và đi lao động ở nước ngoài để được học kinh nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và có một số tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống”.
Có thể nói rằng, giải pháp của trường nghề đưa ra góp phần giải quyết một số khó khăn trong công tác tuyển sinh dạy nghề hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời chưa mang tính bền vững; do vậy, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo./.
Thu hút học sinh vào các trường nghề: Bài toán không dễ! Cập Nhật 15-08-2016 Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với lao động có tay nghề rất lớn. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến lao động có tay nghề chưa đủ đáp ứng nhu cầu. |
Lê Ngọc