Chỉ vì “nghiện” làm mứt Tết
Mứt là món quà không thể thiếu trong dịp Tết Cổ truyền. Tùy điều kiện, mỗi nhà chọn mua những loại mứt khác nhau. Có loại mứt giá phổ thông vừa túi tiền, có loại thật sang với giá cao hay những loại chế biến dành cho người già, trẻ em vui tết.
Mứt me tại cơ sở Huỳnh Ngọc Lan thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng
Những tháng giáp tết, nhiều hộ gia đình ở xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An lại tất bật vào mùa mứt, đáp ứng nhu cầu đón Tết Cổ truyền của dân tộc. Sản phẩm chủ yếu là những loại mứt truyền thống: Me, gừng,... Bà Huỳnh Ngọc Lan (ngụ ấp 5, xã Lạc Tấn), có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm mứt, chia sẻ: “Hàng năm, cứ đến những tháng giáp tết, cơ sở của tôi bắt đầu sơ chế nguyên liệu để làm kẹo; mứt me, gừng phục vụ Tết Nguyên đán. Làm mứt mất nhiều thời gian, dù chỉ là công đoạn sơ chế nhưng cũng mất nhiều ngày. Đối với mứt me, sau khi tách vỏ, ngâm nước muối hột khoảng 3 ngày cho bớt chua, giao cho một nhóm thợ chuyên bóc hột, xăm đều và ngâm nước thêm 1 đêm để me bớt mặn; sau đó sên đường - giai đoạn quan trọng nhất. Lúc này, phải túc trực thường xuyên bên bếp, canh lửa để đường sôi không trào ra ngoài và vớt bọt liên tục cho nước đường được trong. Khi nước đường vừa đủ chín, me đem ra thau, ngâm với nước đường cho thấm. Trái me đủ độ trong và bóng là lúc xếp tròn trên nia, đem phơi nắng; chỉ 2 ngày nắng là đủ. Công đoạn phơi mứt cũng vất vả. Khi phơi mặt đầu tiên, những trái me khô lại nên phải thoa thêm một lớp đường cho trái được mướt, ngấm đường nhiều hơn”.
“Sên đường vào me không đơn giản, người làm phải biết xử lý, nếu không sẽ không đạt yêu cầu. Nếu sên quá tay, me bị teo phải biết làm thế nào cho “nở ra”,... Công đoạn chế biến đến thành phẩm mất 9-10 ngày nếu trời nắng đẹp; ngược lại, phải 11-12 ngày. Sau cùng là khâu đóng gói, vô hộp. Mứt me làm ra cung cấp cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận và TP.HCM. Trung bình, mỗi dịp tết, cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường trên 10 tấn mứt, nhưng cũng có năm chỉ vài trăm ký. Nghề này vất vả nhưng không làm lại buồn vì đã gắn bó nhiều năm, tôi “nghiện” làm mứt rồi!” - bà Lan nói thêm.
Bà Huỳnh Ngọc Lan còn làm thêm mứt gừng, loại mứt quen thuộc của nhiều gia đình trong những ngày tết. Tuy số lượng không nhiều như mứt me nhưng mứt gừng cũng mang hương vị đặc trưng, được nhiều khách hàng tin dùng.
Mang sắc xuân đến mọi nhà
Tôi gọi những người trồng hoa tết là người “trồng” mùa xuân. Bởi, nếu không có họ, có lẽ, mùa xuân chẳng thể rực rỡ nhiều sắc màu, và... ai sẽ mang hoa xuân nở rộ đến với mọi nhà? Khi nhiều người bắt đầu mua kẹo, mứt tết thì những người trồng hoa cũng chuẩn bị mang sắc xuân đến mọi nhà. Giữa vô vàn sản phẩm, hàng hóa phục vụ tết, hoa tết vẫn giữ giá trị riêng, không gì thay thế được.
Trồng hoa là thú vui tao nhã, nhưng với những người mưu sinh bằng nghề trồng hoa tết, đó lại là công việc vô cùng khó khăn. Anh Huỳnh Công Thạnh (ngụ ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước), có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa tết, chia sẻ: “Trồng hoa phải “trông trời, trông đất, trông ngày, trông đêm”, bởi thời tiết thuận lợi, hoa sẽ phát triển tốt. Nhưng, hoa nở là một chuyện, đẹp và đúng dịp lại là chuyện khác! Những người trồng hoa tết phải xử lý sao cho hoa nở đúng vào những ngày đầu năm. Vì vậy, nghề trồng hoa cũng lắm công phu, phải canh đúng thời điểm tỉa đọt, ngắt “bông đeo” để có những bông hoa đẹp nhất. Trung bình, mỗi năm, tôi trồng khoảng 5.000 cây hoa Vạn thọ. Sau 2 tháng, tôi kiếm được trên 10 triệu đồng”.
Hoa tết không thể thiếu trong những độ xuân về
Anh Phan Quốc Huy, ngụ xã Long Trạch, cũng bận rộn chuẩn bị trồng hoa tết. Anh Huy cho biết: “Là nhà nông, quen trồng hoa màu nên đến mùa hoa tết, tôi vẫn dành thời gian, lên kế hoạch trồng hoa Vạn thọ. Nhiều năm qua, trồng hoa tết góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài sở thích, điều tôi cảm thấy vui là góp phần làm đẹp phố phường, nhà cửa mỗi khi tết đến, xuân về”.
Chia sẻ bí quyết trồng hoa tết, anh Huy thành thật: “Trồng cây ra hoa là lẽ thường, quan trọng cây ra hoa đúng thời điểm, bông to, tươi màu, lá và thân không bị sâu, rầy để tạo uy tín với khách hàng. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian, công chăm sóc để hoa như ý. Ngoài kinh nghiệm, nghề trồng hoa đòi hỏi nhà vườn tinh ý trong việc theo dõi sự phát triển cũng như dùng những loại thuốc tác động đến cây hoa”.
“Trồng hoa vốn dĩ là một nghệ thuật, những người trồng hoa cũng là “nghệ sĩ”. Với chúng tôi, nhìn cây hoa trổ đẹp, khoe sắc dưới nắng xuân là thấy vui. Chỉ yêu nghề mới có thể gắn bó, góp phần mang hương xuân đến từng nhà như vậy! Trồng hoa là “trồng” những ân tình, dùng tình cảm mà vun xới nên dù khổ cực cũng vui!” - anh Huy cười nói./.
Huỳnh Phong