Năm nào cũng vậy, đến hai lăm tháng Chạp, tôi lại theo cha đi tảo mộ ông bà. Ngày nhỏ, cha chở tôi cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ, lỉnh kỉnh nào là chổi quét vôi, thùng đựng vôi. Đến nơi, khi cha lui cui dọn cỏ, lau mộ, chuẩn bị quét vôi các phần mộ, còn tôi đi viếng từng ngôi mộ, này là mộ ông cố, bà cố, kia là mộ ông hai, ông ba,… Đến từng ngôi mộ, cha đều giải thích rõ: “Ông hai là anh của ông nội, còn ông ba là anh của bà nội. Tết đến, mình thường dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì cũng phải sửa sang lại “ngôi nhà” của các ông, các bà và mời ông bà về đón tết với con cháu”. Ngày nhỏ, tôi chỉ biết có vậy và mỗi lần đến mộ ông cố, bà cố, tôi thường kể cho ông bà nghe về thành tích học tập của mình và của các chị, các anh. Sau khi quét vôi lại các ngôi mộ, cha con tôi bày hoa quả, nhang đèn ra cúng và kính cẩn mời ông bà về đón tết cùng gia đình. Đến quá trưa, ngồi sau xe đạp cha chở về, tôi còn ngoái lại nhìn xem ông bà “có về” cùng mình hay không.
Mới đó mà đã hơn 20 năm, giờ đây, cứ đến hai lăm tháng Chạp, tôi lại chở cha đến khu mộ tổ tiên để tảo mộ ông bà. Cha đến thắp nhang từng ngôi mộ rồi kể với ông bà những chuyện của gia đình trong năm qua. Đến mộ ông nội, cha ngồi thật lâu như muốn nói nhiều chuyện lắm rồi vuốt nhẹ bức hình trên mộ ông.
Đến giờ, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của tục tảo mộ. Đó không chỉ là truyền thống của người Việt mà còn là nét đẹp trong mỗi gia đình nhằm thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên. Tục tảo mộ nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với những người đã khuất.
Cứ đến hai lăm tháng Chạp hàng năm, tôi lại sắp xếp công việc về đưa cha đi tảo mộ. Và tôi sẽ tiếp nối cha giữ gìn nét đẹp truyền thống đó./.
Phương Trinh