Tiếng Việt | English

09/01/2017 - 02:06

Tảo mộ cuối năm

Ngày bắt đầu cầm nổi cái cuốc, tháng chạp về, mẹ lại dẫn tôi đi tảo mộ.

Tảo mộ, người miền Trung - Nam gọi là “dẫy mả”. Khác với cộng đồng gốc Hoa dẫy mả tiết Thanh Minh (tháng 3 Âm lịch), người Việt dẫy mả ông bà, tổ tiên trước Tết Nguyên đán hàng năm, đúng vào tháng chạp.

Đi dẫy mả cũng giống như đi… làm ruộng; nghĩa là mang cuốc, cào, thúng mủng và v.v.... Khác chăng là có thêm một bó hương. Khói hương, cái ấy không thể nào thiếu trong ngày tảo mộ cuối năm; cái ngày không đơn thuần là lao động chân tay mà - từ lâu - đã thực sự trở nên nghi thức tâm linh trong lòng dân tộc, biểu trưng cho đạo lý uống nước nhớ nguồn...


Dẫy mả ông bà. Ảnh minh họa: Giác ngộ online

Gọi “dẫy mả”, đương nhiên phải bắt đầu bằng dẫy cỏ. Dùng cuốc bén khéo léo cuốc xớt, phạt ngang gốc sao cho đứt (hoặc tróc) cỏ mà không tróc đất. Sau mười hai tháng tưng bừng uống nắng ăn sương cộng thêm cái tiết mưa dầm cuối năm, cỏ tha hồ mơn mởn lên xanh. Gặp mả xây, đổ cát còn đỡ; chứ những nấm mồ gặp chân đất thịt hơi màu mỡ, cỏ xông tốt bời bời như tranh. Rễ cỏ đan chằng chịt, lầy nhầy dưới lưỡi cuốc; cộng thêm cái giống đất thịt “trời đánh” dẻo quẹo, đu theo từng tảng khiến sức một thằng bé con như tôi lắm phen phải chống cuốc, “khóc ròng”!

May, ngày ấy tôi còn mẹ. Chuyện gì không trôi đã có mẹ. Mẹ dành cho tôi chỗ dễ. Còn chỗ khó, cầm lấy cuốc, mẹ nhẫn nại gò lưng bươi, phạt từng búi cỏ to. Mồ hôi mẹ chảy ròng, ướt đẫm cả lưng. Không ngừng tay, mẹ cứ phạt, cứ bươi. Bươi đến khi nào đám cỏ bướng bỉnh kia chịu phép, dồn đống. Lúc ấy mẹ mới thẳng lưng, giơ nón quạt, thở phào…

Dẫy, cào xong cỏ là đến khâu đắp, vun. Mả không xây; qua mười hai tháng bị xói mòn, sạt lở bởi trâu bò, bởi nước mưa; cần phải đắp phải vun cho cao nấm, vuông nền. Thúng mủng vào cuộc; xúc đất bên ngoài đổ vào nấm, vào chân. Vừa đổ, vừa nện, vừa sửa; đến khi nào cảm thấy cân đối, khang trang mới thôi.


Mùa xuân tảo mộ. Ảnh minh họa: Giác ngộ online

Bẻ một cành lá mà quét sơ, gọi là “làm phép” (giống như đang… quét nhà cho người khuất mặt!). “Quy trình dẫy mả” coi như hoàn tất; đã có thể rửa tay, ngả nón mà thắp hương, khấn vái được rồi. Cắm hương ngày dẫy mả, không ai cắm riêng chỉ một mộ nhà (ngoại trừ… hết hương!). Bao giờ chủ nhân cũng đốt luôn một bó để còn mang cắm các mộ rải rác tứ phương. Đoàn kết, cộng đồng, tương ái tương thân - phải chăng những tính cách Việt ấy đã ăn sâu, bám rễ nghìn năm trong tâm hồn Việt? “Sống sao thác vậy”; người sống cần một cộng đồng tương ái, tương thân thì người chết cũng không thể thiếu một cộng đồng…

Những năm bom đạn chiến tranh phải bỏ làng xóm ra đi; đến ngày dẫy mả, mẹ tôi vẫn mặc kệ hiểm nguy, lặn lội trở về. Mẹ về, dắt theo tôi. Cho con biết mồ mả tổ tiên. Cho con biết cội nguồn…. Cội nguồn; cái ấy mang ý nghĩa thế nào thì tôi ba mươi năm sau mới thấm. Và khi tôi thấm, mẹ đã không còn!

…Bây giờ tháng chạp, đi dẫy mả ông bà, tôi lại dắt theo con. Cúi đầu trước khói hương bay; nhìn đôi mắt ngây thơ, dò hỏi của con; bất giác, tôi lặp lại y chang câu của mẹ ngày xưa: Cho con biết mồ mả tổ tiên. Cho con biết cội nguồn…

Y Nguyên

Chia sẻ bài viết