Tiếng Việt | English

19/11/2020 - 10:14

Hàng thật, hàng giả lẫn lộn trên thị trường

Tình trạng hàng giả đang tràn lan trên thị trường khiến cho việc phân biệt hàng chính hãng trở nên khó khăn, gây thiệt hại về kinh tế với người tiêu dùng.

Trong buổi hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả do Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đại diện nhãn hàng bột giặt Omo chia sẻ, bột giặt Omo đang bị làm giả và bán tràn lan trên thị trường.

Qua khảo sát tại Long An, đơn vị này phát hiện nhiều cửa hàng tạp hóa, chợ trên địa bàn các huyện khu vực Đồng Tháp Mười, Cần Đước, Bến Lức,... có bán bột giặt Omo giả. Loại bột giặt Omo giả này được những người chuyên đi phân phối các mặt hàng hóa mỹ phẩm cung cấp. Những người này hoạt động độc lập, không phải là nhân viên của các đơn vị phân phối hàng hóa. Thủ đoạn của những người này là chuyên giao các mặt hàng giả, có khi xen lẫn giữa hàng giả và hàng thật. Nhiều khi chính các chủ cửa hàng cũng bị lừa.

Đại diện nhãn hàng Omo hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả

Chị Lê Thị Hồng - chủ một cửa hiệu tạp hóa tại TP.Tân An, cho biết, các loại hóa mỹ phẩm thường có nhân viên các đơn vị phân phối giao tận cửa hàng. Ngoài ra, cũng có một vài người thường xuyên đến chào mời, giới thiệu với cửa hàng bột giặt Omo có giá thấp hơn giá của đơn vị phân phối, khi bán ra cho người tiêu dùng lãi cao hơn. Tuy nhiên, nghi ngờ bột giặt giả nên chị luôn từ chối vì nghĩ người chịu thiệt thòi nhiều nhất là người tiêu dùng. Còn chị Bùi Thị Phượng, ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức, cho rằng, chị đã từng mua phải bột giặt giả, khi sử dụng không làm sạch quần áo và gây kích ứng da, bị mẩn ngứa trên da sau khi trực tiếp giặt quần áo.

Một mặt hàng khác đang bị làm giả, nhái và bán tràn lan trên thị trường là các loại giày giả nhãn hiệu Adidas, Nike,... bởi mặt hàng này có giá cao, kiểu dáng đẹp. Đại diện 2 nhãn hàng giày nói trên cho rằng, tình trạng phổ biến hiện nay là người bán thường trưng bày, bán hàng thật, hàng giả chung một nơi. Bởi, nếu người bán bán được 1 đôi giày hàng giả nhãn hiệu, họ thu lợi nhuận khá cao do 1 đôi giày thật có giá lên đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng chịu khó tìm hiểu cách phân biệt đâu là giày chính hãng, đâu là hàng giả thì không quá khó. Ví dụ, giày hàng thật, khi ngửi không có mùi keo; các đường nét ráp nối rất tinh xảo, sắc nét từng chi tiết, kể cả các dòng chữ trên tem nhãn.

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - Phạm Đức Chinh cho biết, tình trạng bán buôn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và khó phân biệt. Các hoạt động gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Trong 10 tháng năm 2020, các đội QLTT trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 33 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như bột ngọt, LPG chai, máy tính Casio,... Thời gian tới, để đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo, Cục QLTT chỉ đạo các đội quyết liệt kiểm tra mặt hàng đã phát hiện như trên; đồng thời, tăng cường kiểm tra thêm các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sản xuất./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết