Tiếng Việt | English

04/08/2022 - 13:05

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao  

Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị và giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã tham mưu UBND tỉnh nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), nông dân ƯDCNC vào trồng trọt, chăn nuôi, hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Hướng đi tất yếu

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch liên quan đến việc triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 như tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025;...

Ngoài ra, Sở còn phối hợp các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC; làm việc với các địa phương để xác định diện tích cụ thể từng xã, vùng sản xuất ƯDCNC, xác định bản đồ vùng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng,... Kết quả, đến nay, diện tích lúa ƯDCNC đạt trên 29.340ha; rau ƯDCNC đạt 1.829ha; chanh ƯDCNC đạt 345ha; tôm ƯDCNC đạt 10ha;...

Nông dân trồng rau trong nhà màng để hạn chế sâu, bệnh

Huyện Cần Đước và Cần Giuộc là 2 địa phương thực hiện việc ƯDCNC trên cây rau. Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 mô hình điểm, với diện tích 2ha tại HTX Rau an toàn Việt (huyện Cần Đước) và HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Tiến (huyện Cần Giuộc); đồng thời, xây dựng 12 mô hình ƯDCNC với diện tích 12ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là các chính sách ưu đãi từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh, nông dân trên địa bàn huyện đã được tham gia nhiều lớp tập huấn trồng rau theo hướng VietGAP, thực hiện các mô hình trình diễn về sản xuất hữu cơ. Theo đó, khi thực hiện mô hình, nông dân sẽ được hỗ trợ về giống, vật tư,... Đến nay, toàn huyện có trên 1.135ha rau ƯDCNC.

Ông Nguyễn Văn Chưởng (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng 0,7ha rau theo phương pháp truyền thống với các loại rau ăn lá như cải ngọt, húng quế, hành lá,... Qua các lớp tập huấn, tôi được hướng dẫn trồng rau ƯDCNC, phương pháp này giúp giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Từ đó, tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà màng, áp dụng các biện pháp tưới tự động,... vào sản xuất. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận tăng từ 20-30% so với trồng theo phương pháp truyền thống”.

Đối với cây thanh long, thời gian qua, mặc dù tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng giảm so cùng kỳ năm trước nhưng diện tích thanh long ƯDCNC của tỉnh tiếp tục được duy trì và mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 4.000ha thanh long ƯDCNC, đạt gần 67% kế hoạch. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, việc ƯDCNC vào sản xuất thanh long đã góp phần nâng cao giá trị trái thanh long và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt, ƯDCNC vào sản xuất thanh long còn giúp giảm công lao động, tiết kiệm điện, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó mang lại lợi nhuận cao hơn từ 2,5-5 triệu đồng/ha.

Là một trong số các hộ tiên phong trong việc thực hiện ƯDCNC vào sản xuất thanh long, anh Phan Quốc Chinh (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) nói: “Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân. Nhờ ƯDCNC vào sản xuất, thanh long tiếp cận được nhiều thị trường khó tính hơn. Nhờ vậy mà thu nhập của nông dân cũng được nâng lên”.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết: “Việc ƯDCNC vào sản xuất thanh long không chỉ góp phần phát triển thanh long theo hướng tập trung, quy mô lớn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long”.

Khuyến khích, thu hút đầu tư

Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 có quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ. Theo đó, đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ là các DN, HTX, hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất 4 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh) và nuôi bò thịt, tôm nước lợ.

Cụ thể, tùy từng trường hợp, các DN, HTX có thể được hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cho cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản) để xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ không quá 2 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ 70% chi phí cho các DN có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con trở lên để xây dựng hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án; đối với các DN, HTX có dự án nuôi tôm nước lợ ƯDCNC quy mô tối thiểu 5ha trở lên sẽ được chương trình hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ 60% chi phí cho các DN có dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt tại nông thôn, thu gom, xử lý chất thải làng nghề, nông thôn để mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án;... Thực hiện chương trình này, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 60.000ha lúa, 6.000ha thanh long, 2.000ha rau, 100ha nuôi tôm nước lợ ƯDCNC trong sản xuất.

Thanh long đạt các quy chuẩn cao như VietGAP, GlobalGAP,... là điều kiện cần để chinh phục những thị trường khó tính

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao. Lĩnh vực này lại có nhiều rủi ro, giá cả sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề thị trường tiêu thụ nên việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng các DN nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trước mắt, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp các địa phương khảo sát, xây dựng các kế hoạch để quy hoạch các vùng nông nghiệp ƯDCNC, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đến đầu tư, thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, ngành triển khai, thực hiện các mô hình điểm, mô hình nhân rộng và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về nông nghiệp ƯDCNC. Qua đó, từng bước hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững”./.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu xây dựng 26 mô hình điểm về ƯDCNC trên cây lúa với diện tích 1.300ha, tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 với 115 mô hình; xây dựng 2 mô hình điểm về rau ƯDCNC với diện tích 2ha, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích 1.772ha; xây dựng 12 mô hình điểm về thanh long ƯDCNC với diện tích 120ha, tiếp tục nhân rộng 665ha thanh long ƯDCNC và duy trì 7 mô hình với diện tích 140ha; xây dựng 15 mô hình điểm về chanh ƯDCNC với diện tích 150ha, nhân rộng 22 mô hình chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích 220ha; xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại các huyện: Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ và hỗ trợ 29 mô hình nuôi tôm nước lợ ƯDCNC tại các huyện: Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, với tổng diện tích 14,5ha.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích