Dẫu biết rằng việc cưới, việc tang là chuyện quan trọng của mỗi gia đình nhưng giữa tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ai cũng ý thức tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, góp phần phòng, chống dịch. Có thể thấy, khi cả nước chung tay chống dịch, phần lớn những gia đình có dự định tổ chức cưới xin đều chủ động hoãn cưới vì sức khỏe chung của mọi người và tránh lây lan nguồn bệnh nếu chẳng may có người bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 đến dự tiệc. Những đám đã phát thiệp mời cũng chủ động thông báo hoãn và xin lỗi khách. Một số gia đình vẫn tiếp tục tổ chức cưới nhưng chỉ có vài người trong gia đình dự và chúc phúc cho “đôi uyên ương”. Có chút buồn nhưng người trong cuộc đều chấp hành nghiêm những quy định phòng, chống dịch. Họ sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng vì “đại cuộc”, không thể vì ngày vui của gia đình mình mà có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người khác.
Tương tự việc cưới, việc tang cũng được tổ chức đơn giản, tránh tập trung đông người, tiềm ẩn lây lan mầm bệnh. Giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, có gia đình khi xảy ra hữu sự chỉ thông báo cho người thân biết và không tổ chức nghi lễ, phúng viếng. Họ hàng, bạn bè gọi điện thoại đến chia buồn cùng gia đình và hạn chế trực tiếp đến đám. Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách xã hội, một số gia đình lại chủ quan tổ chức đám tiệc rình rang. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở nhưng vẫn còn những đám tang số khách đến viếng hơn 30 người/lần và kéo dài nhiều ngày.
Nước ta cơ bản đẩy lùi được dịch Covid-19 nhưng tại nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bài học kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, chính sự chủ quan, lơ là, thiếu kiểm soát dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, mọi người nên tiếp tục chấp hành nghiêm những quy định phòng, chống dịch, nhất là trong tổ chức việc cưới, việc tang./.
Cẩm Nhung