Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở xã biên giới Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như chanh không hạt, mít Thái, sầu riêng,... Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Hoàng Trọng Huấn cho biết, trên địa bàn xã hiện trồng nhiều loại cây ăn trái, trong đó, mít gần 65ha, chanh gần 207ha, dừa trên 22ha, bưởi trên 23ha,... Các loại cây này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Trung bình nông dân có lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cây trồng.
Ông Trương Thúy Sơn (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) có lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm nhờ chuyển đổi từ lúa sang trồng chanh không hạt
Ông Trương Thúy Sơn (ấp 1, xã Tân Hiệp) chia sẻ: “Thấy cây chanh thích hợp với vùng đất này nên gia đình tôi chuyển trên 2,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt. Đến nay, 1,4ha chanh đang cho trái, diện tích còn lại phát triển tốt”.
Theo ông Sơn, cây chanh không hạt rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng và chăm sóc, cho trái quanh năm. Thời gian từ cải tạo đất đến lúc thu hoạch chanh khoảng 2 năm, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000-24.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông Sơn thu lãi trên 300 triệu đồng/ha.
“Chanh thường bị 2 loại bệnh: Vàng lá thối rễ và nhện đỏ chích gây nám trái. Vì vậy, người trồng chanh cần thường xuyên vệ sinh gốc, tỉa cành và phun thuốc phòng, trị khi cây ra hoa; không sử dụng thuốc diệt cỏ vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ chanh, chỉ dùng máy cắt cỏ để vệ sinh vườn” - ông Sơn chia sẻ thêm.
Cây xoài keo mang lại lợi nhuận cao cho anh Nguyễn Hữu Lợi (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng)
Tại huyện Vĩnh Hưng, thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có trên 440ha cây ăn trái, trong đó, mít khoảng 100ha, xoài 84ha, sầu riêng trên 22ha. Anh Nguyễn Hữu Lợi (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) khá “mát tay” khi chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài keo. Với gần 2ha xoài keo đang phát triển rất tốt, mô hình chuyển đổi cây trồng của anh Lợi được xem là tiên phong tại xã Hưng Điền A.
Theo anh Lợi, giống xoài keo của gia đình anh đang trồng có nguồn gốc từ Campuchia. Trước khi trồng, chỉ cần lên liếp đất ruộng, không cần phải đầu tư nhiều như khi chuyển đổi đất lúa lên vườn trồng các loại cây khác. Khoảng 18 tháng sau khi trồng có thể thu hoạch đợt trái đầu tiên, sau đó, mỗi năm thu hoạch 2 vụ.
“Với đợt trái đầu tiên có thể cho năng suất khoảng 30kg/cây nhưng vào những vụ sau có thể tăng lên 40-50kg hay 100kg/cây. Đối với những cây xoài từ 6-7 tuổi năm, năng suất có thể lên đến 200kg/cây. Hiện năng suất trung bình của vườn xoài gia đình tôi khoảng 20 tấn/ha/vụ, bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi trên 200 triệu đồng/vụ” - anh Lợi nói. Dù trồng gần 2ha xoài keo nhưng anh không tốn nhiều công chăm sóc vì xoài keo là loại cây chịu được nắng nóng lại ít sâu, bệnh và không cần nhiều phân bón.
Cây bưởi đang được nhiều người dân chọn chuyển đổi vì dễ trồng, hiệu quả cao
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Hiện nay, diện tích vườn tạp, sản xuất kém hiệu quả trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều so với trước đây, tất cả là nhờ sự chủ động trong chuyển đổi cây trồng của người dân. Đa phần người dân đều chọn các loại trái cây đang cho giá trị kinh tế cao như xoài, cam, bưởi, mít, sầu riêng,... để chuyển đổi. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hiệu quả kinh tế cao hơn theo đúng chủ trương, định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh”.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, năm 2022, tổng diện tích đất chuyển đổi từ trồng lúa sang cây hàng năm trên 2.000ha. Trong đó, chủ yếu chuyển đổi sang các loại cây ăn trái như chanh, bưởi, xoài, mít, sầu riêng, dưa hấu,... Hiệu quả kinh tế từ các mô hình trồng cây ăn trái cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa; hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế và tính cạnh tranh cao như cây ăn trái, rau thực phẩm và nuôi thủy sản. Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao”.
Cần chuyển đổi đúng định hướng
Thời gian gần đây, diện tích một số loại cây ăn trái gia tăng đột biến, nhất là diện tích sầu riêng tại các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh. Nguyên nhân là sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hút hàng, giá cao. Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo việc trồng quá nhiều sẽ dẫn đến thừa sản lượng, rớt giá, thậm chí là tái diễn tình trạng “giải cứu” trong thời gian tới. Sau giai đoạn tăng giá thì từ đầu tháng 3/2023, giá sầu riêng đang có chiều hướng hạ nhiệt.
Bà Đỗ Thị Tảo (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) canh tác 4ha sầu riêng, cho hay: “Đầu tháng 02/2023, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng Thái Monthong với giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, thậm chí 200.000 đồng/kg thì nay giảm xuống mức 90.000-120.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 giá từ 120.000-130.000 đồng/kg cũng giảm còn 70.000-100.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân trồng sầu riêng vẫn lời khá”.
Cũng theo bà Tảo, hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận cũng chuyển đổi sang trồng sầu riêng, do đó, những năm tới, giá sầu riêng khó mà cao được như đầu năm nay do sản lượng sầu riêng sẽ tăng dần.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát mô hình trồng sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Nhằm thực hiện chuyển đổi cây trồng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương vận động người dân chỉ chuyển đổi và phát triển các loại cây ăn trái theo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, phát triển theo đúng quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, bảo đảm tính thích nghi với điều kiện đất đai, nước tưới.
“Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển và phân phối. Ngoài ra, nông dân không nên tự ý chuyển đổi, nhất là chuyển sang trồng cây sầu riêng một cách ồ ạt vì sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu; đồng thời, chất lượng, sản lượng không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu, sẽ gây nhiều thiệt hại cho người trồng” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.
Bùi Tùng