Tiếng Việt | English

04/06/2017 - 19:19

Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn

Những năm qua, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non vùng biên giới và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực.

Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư

Trường Mầm non xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2010. Cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm đầu tư, bảo đảm các điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Với tổng diện tích điểm chính và điểm phụ 3.814m2, bình quân đạt 19m2/trẻ, trường đáp ứng nhu cầu tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trường được đầu tư đầy đủ phòng chức năng: Lớp học, phòng nghệ thuật - khu thể chất, phòng y tế, nhà bếp, sân chơi,…

Chính sách hỗ trợ ăn trưa giúp trẻ được chăm sóc tốt hơn

Trường Mầm non xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 5.232m2 ở khu trung tâm xã. Các công trình của trường đều được xây kiên cố, hiện đại. Trường có 20 phòng học và phòng chức năng, các phòng được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Đội ngũ giáo viên, nhân viên bảo đảm về số lượng, chất lượng không ngừng được nâng lên. Hiện tại, trường có 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 81%, riêng trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Tỷ lệ trẻ bán trú đạt 100%. Có 100% trẻ đến trường được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần. “Được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, Trường Mầm non xã Hưng Điền B được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là tiền đề để trường phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa trong những năm học tiếp theo, góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục huyện” - Hiệu trưởng trường Mầm non Hưng Điền B - cô Châu Ngọc Thanh cho biết.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng - Lưu Phước Quang cho biết: Từ các nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa giáo dục trong giai đoạn 2011-2015, địa phương đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất cho các trường mầm non với nguồn vốn hơn 160 tỉ đồng. Trong đó, có 6 trường ở 5 xã biên giới được ưu tiên đầu tư và đạt chuẩn quốc gia.

Huyện Tân Hưng có 12/12 xã, thị trấn có trường mầm non riêng biệt. Các điểm trường nằm ở trung tâm của xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu đến trường, cơ sở vật chất các điểm trường được kiên cố hóa, không còn các điểm trường tạm. Trong đó, có 2/3 trường mầm non ở 3 xã biên giới đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2011 đến nay, các trường được đầu tư xây dựng 34 phòng học và 32 phòng chức năng với tổng kinh phí hơn 40 tỉ đồng. “Cơ sở trường lớp và trang thiết bị được tăng cường đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học, góp phần giúp Tân Hưng thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục nói chung và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nói riêng trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền khẳng định.

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ mầm non

Quyết định số 239/QĐ-TTg, ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, ngày 26/10/2011 của Thủ tướng quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 đến trẻ em các xã biên giới, núi cao, hải đảo, xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Theo đó, trẻ mầm non được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn trưa, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, duy trì tốt số lượng trẻ đến trường, tạo điều kiện cho các trường mầm non làm tốt công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

Chị Đỗ Thị Thúy Hằng, ở ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung phấn khởi: “Con tôi học mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa, miễn giảm học phí. Các cháu được ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và được chăm sóc sức khoẻ tốt”. Hiệu trưởng trường Mầm non xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng - Trần Thị Lan Anh cho biết: “Trước đây, khi chưa được hỗ trợ tiền ăn trưa, rất khó triển khai việc cho trẻ học bán trú. Sau khi được hỗ trợ, phụ huynh đều phấn khởi, 100% trẻ bán trú được ăn tại trường, bảo đảm chất lượng bữa ăn, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng”.


Cơ sở vật chất được đầu tư hoàn chỉnh

Ngoài ra, còn có chế độ miễn, giảm học phí, chi phí học tập đối với trẻ mầm non diện hộ nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, tàn tật. Cụ thể, miễn 100% tiền học phí đối với trẻ tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, trẻ có cha mẹ thuộc hộ nghèo; giảm 50% trẻ có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo;…

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng - Nguyễn Công Luận cho biết: Những chính sách hỗ trợ học sinh của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường. Từ đó, góp phần giúp các trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết