Tiếng Việt | English

21/12/2020 - 17:21

Hiệu quả từ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng

Mạnh dạn trồng thí điểm các giống thanh long mới và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông Lê Đắc Vinh (ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) thu lợi nhuận cao, kinh tế gia đình ngày càng khá giả.

Ông Vinh cho biết: “Năm 1995, ngành Nông nghiệp tổ chức cho nông dân tham gia học tập kinh nghiệm trồng thanh long bằng trụ xi măng ở tỉnh Bình Thuận và hỗ trợ vốn đúc trụ xi măng. Sau đó, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư và chuyển 8.000m2 đất canh tác lúa sang trồng thanh long ruột trắng. Đến khi thu hoạch, qua tính toán lợi nhuận gấp 4 lần trồng lúa”.

Ông Lê Đắc Vinh áp dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh

Thời gian này, phong trào trồng thanh long phát triển mạnh trên vùng đất Châu Thành, ông nghĩ đến phương án đa dạng hóa sản phẩm bằng cách thay đổi giống mới. Vì vậy, năm 2005, ông tiên phong trồng khảo nghiệm giống thanh long ruột đỏ và chuyển tất cả diện tích thanh long ruột trắng sang ruột đỏ. Diện tích thanh long của ông được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm khảo nghiệm giống.

Ông áp dụng các kỹ thuật trồng và chăm sóc theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh như tăng phân hữu cơ, giảm phân hóa học; thay thuốc hóa học bằng thuốc sinh học; trồng thanh long trên giàn; sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện; tưới và bón phân bằng hệ thống tự động;... Từ đó, việc chăm sóc thuận tiện, giảm chi phí, tăng năng suất và bảo đảm môi trường. Sau thời gian trồng khảo nghiệm, giống thanh long ruột đỏ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhân rộng trên địa bàn, thu nhập của người trồng thanh long ruột đỏ cũng dần được nâng cao.

Năm 2010, ông Vinh tiếp tục nghiên cứu và trồng khảo nghiệm khoảng 500m2 giống thanh long ruột tím hồng. Sau 3 năm, ông chuyển tất cả diện tích thanh long ruột đỏ sang thanh long ruột tím hồng, mang lại lợi nhuận cao hơn. “Ưu điểm của giống này là vỏ cứng, có năng suất, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng nên thị trường tiêu thụ đa dạng” - ông Lê Đắc Vinh chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Đắc Vinh, hiện nay, thanh long muốn xuất khẩu thì phải đóng thùng và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, người dân cần tham gia hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp và tiếp cận kỹ thuật, cách sử dụng phân bón hữu cơ để cho ra nông sản sạch, chất lượng, tạo đầu ra bền vững, tăng giá trị kinh tế. Hiện thanh long ruột tím hồng của ông được Hợp tác xã Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội) thu mua toàn bộ theo giá thị trường.

Bằng sức lao động cùng với những nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, gia đình ông xây dựng được nhà cửa khang trang, mua thêm 1.000m2 đất làm kho thanh long. Hiện ông còn là Tổ trưởng Tổ An ninh, trật tự của ấp nên rất tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Vừa qua, gia đình ông còn hiến 80m2 đất xây dựng hệ thống nước qua lắng lọc, giúp người dân có nước sạch sử dụng. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học hỏi và làm theo./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết