Tiếng Việt | English

21/02/2024 - 09:13

Hình thành thói quen 'đã uống rượu, bia thì không lái xe'

Ly rượu mừng xuân được xem là nét đẹp văn hóa của người Việt. Từ lâu, ly rượu đã gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, nghi lễ, lễ hội,... và được xem là khởi đầu câu chuyện. Tuy nhiên, lợi dụng phong tục đó, nhiều người đã “quá chén” và gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có tai nạn giao thông (TNGT).

Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản đã xảy ra mà nguyên nhân chính là người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, để lại nỗi đau, mát mát lớn cho gia đình những nạn nhân. Khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) có hiệu lực, tình trạng uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có giảm nhưng tùy từng thời điểm ra quân tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thời gian qua, việc quyết liệt xử lý nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được các cấp, các ngành và người dân đánh giá cao, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Việc xử lý nồng độ cồn không chỉ góp phần bảo đảm an toàn, hạn chế TNGT mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội do uống rượu, bia như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích,…

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 08 đến 14/02), cả nước xảy ra 541 vụ TNGT, làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so cùng kỳ). Còn theo số liệu của Bộ Y tế, số ca cấp cứu nghi liên quan đến TNGT giảm 12,1%. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm sâu so cùng kỳ các năm trước.

Tại Long An, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNGT đường bộ làm 7 người bị thương, không có trường hợp nào tử vong. So cùng kỳ, số vụ TNGT và số người tử vong do TNGT giảm sâu.

Từ khi lực lượng chức năng quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, thói quen của người dân dần thay đổi. Tại các buổi tiệc, nhiều người không còn ép nhau uống rượu, bia như trước đây, bởi ai cũng hiểu rõ hậu quả của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, ngoài khoản tiền đóng phạt từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, người vi phạm còn phải chịu các chế tài như tước bằng lái xe lên đến 2 năm, bị gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác,… Với những chế tài đó, phần lớn người dân sau khi đã uống rượu, bia đều chủ động sử dụng các phương tiện công cộng như xe Honda ôm, taxi hoặc nhờ người nhà đến đón.

Việc lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn không theo khung thời gian nhất định, không còn lập chốt cố định mà kiểm tra thường xuyên, liên tục, vào bất kỳ thời điểm nào đã góp phần thay đổi hành vi, dần dần hình thành thói quen đối với người dân. Còn nhớ, năm 2007, khi có quy định phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy, một bộ phận người dân cũng phản đối với nhiều lý do: Cồng kềnh, bất tiện, không có chỗ cất nón,… Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, thấy được hiệu quả của mũ bảo hiểm giúp giảm thiểu chấn thương đầu khi bị TNGT, đến nay, mọi người đều chấp hành tốt quy định và đã hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy.

Trước đây, cũng có ý cho rằng bữa tiệc mà không uống bia, rượu sẽ mất vui, không gắn kết nhưng nay nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, uống chừng mực và khi có rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều dễ thấy nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người chấp hành nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và số vụ TNGT do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia giảm sâu.

Quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn cũng đang dần đi vào nền nếp, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng cùng với những chế tài theo quy định, ý thức tuân thủ pháp luật của mọi người dân sẽ ngày càng nâng cao./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết