Tiếng Việt | English

19/02/2021 - 15:41

Hội nghị thượng đỉnh G7 - Cơ hội để phương Tây hàn gắn

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là cơ hội quan trọng để phương Tây xích lại gần nhau sau những bất đồng trong nhóm thời cựu Tổng thống Mỹ Trump, đồng thời tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu như chống dịch Covid-19, vực dậy nền kinh tế toàn cầu và nhiều vấn đề an ninh khác.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), nước Anh sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm vào ngày hôm nay (19/2). Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 kể từ tháng 4/2020 và đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một hội nghị quốc tế.


G7, 2021. Nguồn: Shorthandstories.

Thông điệp bao quát từ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến

Trong năm 2020, vì đại dịch bùng phát từ đầu năm nên nước Mỹ chủ nhà đã hủy bỏ các cuộc họp liên quan đến G7. Ngoài ra, do tập trung vào tranh cử tổng thổng và căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hoàn toàn phớt lờ cơ chế đối thoại và hợp tác trong G7. Vì thế, sau gần 1 năm với quá nhiều biến cố lớn trên thế giới, từ sự hoành hành nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, sự thay đổi chính quyền tại Mỹ sau một kỳ bầu cử vô cùng sóng gió, cũng như các căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và Nga… lãnh đạo các nước G7 dự tính khởi động lại vai trò dẫn dắt của các nước G7 đối với các vấn đề thế giới.

Trong thông báo gửi đi vài ngày trước, Văn phòng Thủ tướng Anh cũng đã công bố các ưu tiên chính sẽ được lãnh đạo G7 bàn thảo tại hội nghị trực tuyến, bao gồm: kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phân phối vaccine một cách công bằng hơn cho các nước đang phát triển; cụ thể là kế hoạch phân phối 1,3 tỷ liều vaccine cho các nước đang phát triển trong năm nay thông qua sáng kiến COVAX của WHO. Tiếp đến, phía Anh cũng muốn thúc đẩy “Kế hoạch 5 điểm” do ông Boris Johnson đưa ra cách đây vài tháng nhằm xây dựng một loạt các cơ chế và hiệp định toàn cầu về hợp tác chống đại dịch tương lai, bao gồm thiết lập mạng lưới nghiên cứu sinh học, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, cảnh báo sớm. Ngoài ra, các lãnh đạo G7 cũng sẽ bàn về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một số xung đột lớn trên thế giới cũng như quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Thông qua những gì mà nước chủ nhà G7 năm nay là Anh đưa ra trong nghị trình, có thể thấy thông điệp mà nước Anh cũng như các nước G7 muốn gửi đi là nhóm G7 đã sẵn sàng quay lại đảm nhận vai trò dẫn dắt các sự vụ quốc tế lớn, sau một thời gian dài bất lực trước chính sách biệt lập mà nước Mỹ tiến hành dưới thời ông Donald Trump. Các nước G7 muốn chứng minh họ vẫn là những nền dân chủ hàng đầu thế giới và vẫn đủ thực lực và uy tín để dẫn dắt, dù trong 1 năm qua, uy tín và vị thế của các nước này đã bị suy giảm nghiêm trọng khi hầu hết đều bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 và khó khăn trong việc ngăn khủng hoảng kinh tế.

Kỳ vọng từ sự trở lại của Mỹ trong giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay

Ngay khi lên nhậm chức Tổng thống Mỹ cách đây 1 tháng, ông Joe Biden đã tuyên bố rằng “nước Mỹ đã quay lại”, với thông điệp rất rõ rằng chính quyền mới tại Mỹ sẽ chấm dứt 4 năm biệt lập, từ bỏ các cam kết quốc tế và tạo ra quá nhiều mâu thuẫn với các đồng minh của thời ông Donald Trump.

Thực tế thì nước Mỹ đã và đang có những bước đi thể hiện tuyên bố này, như việc quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về khí hậu, quay lại WHO và sớm trả khoản nợ đóng góp 200 triệu USD. Mỹ cũng sẽ tham gia vào sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX của WHO, đồng thời đã đưa ra cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Trong thời điểm này, khi thế giới đã bước sang năm thứ hai của đại dịch Covid-19 mà tình hình vẫn rất nghiêm trọng ở nhiều nơi, sự tái cam kết của Mỹ với chủ nghĩa đa phương là một điều tích cực. Mỹ vẫn là quốc gia có tiềm lực kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới và việc Mỹ quay lại với các thiết chế đa phương, đẩy mạnh hợp tác thay vì biệt lập, có thể tháo gỡ được rất nhiều cản trở trước đây.

Tuy nhiên, việc Mỹ quay lại không phải là cây đũa thần có thể ngay lập tức giải quyết được mọi việc. Thách thức lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là việc tiếp cận vaccine. Hiện nay gần 130 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước nghèo, đang phát triển, vẫn chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào trong khi Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước EU đã đặt gần như toàn bộ các đơn hàng đầu tiên. EU đã đặt khoảng 3,5 tỷ liều vaccine trong khi dân số của khối chưa đến 500 triệu người. Canada cũng đã đặt số liều vaccine đủ để mỗi công dân nước này tiêm 10 mũi.

Bất chấp các lời lẽ và cam kết rất hào nhoáng được đưa ra, hiện nay các nước G7 vẫn đang theo đuổi “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, lo cho mình trước, thậm chí còn mâu thuẫn gay gắt với nhau trong việc tranh giành vaccine, với ví dụ điển hình là giữa Anh và EU gần đây. Trong khi đó, nguồn vaccine có thể tiếp cận dễ nhất với nhiều nước đang phát triển thời gian qua là vaccine của Nga và Trung Quốc thì lại bị truyền thông và chính giới phương Tây nghi ngờ, đả kích. Do đó, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nhận định cách đây 2 tuần, các nước phương Tây mà G7 là nhóm dẫn đầu, đang bị hổ thẹn trong cuộc đua ngoại giao vaccine với Nga và Trung Quốc. Thách thức cho chính quyền Mỹ của ông Joe Biden khi muốn quay lại vị thế dẫn dắt, vì thế, là rất lớn, đặc biệt khi nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng sau kỳ bầu cử tổng thống và nước này cũng đang chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Về các vấn đề khác, đặc biệt là kinh tế thế giới cũng như việc giải quyết các hồ sơ nóng trong quan hệ quốc tế, nước Mỹ hay G7 cũng không thể đơn phương hành động thành công. Ông Joe Biden sẽ phải xử lý quan hệ vô cùng căng thẳng và phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài năm qua một cách khéo léo để không làm đổ vỡ đà phục hồi của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19 khi năm 2020 vừa qua đã chứng minh, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính trong một năm mà toàn bộ các nền kinh tế lớn của thế giới, bao gồm toàn bộ các nước G7, đều sụt giảm nghiêm trọng. Thực tế chính trường thế giới trong 2 thập kỷ qua ghi nhận vai trò ngày càng suy giảm, thực chất đôi khi chỉ còn mang tính biểu tượng của G7 so với G20. G7 hiện tại chỉ phản ánh hào quang quá khứ và tham vọng dẫn dắt của các nước phương Tây chứ không phản ánh đúng tương quan lực lượng trên thế giới hiện nay, khi ngoại trừ Mỹ, tất cả các thành viên G7 khác đều có nền kinh tế chỉ bằng 1/3, 1/4, thậm chí là gần 1/10 so với Trung Quốc. G7 không có tính đại diện chính xác như G20, nơi ngoài Trung Quốc còn nhiều cường quốc thế giới và khu vực khác như Nga, Ấn Độ, Brazil, Indonesia… Do đó, G7 lần này sẽ là dịp để các nước phương Tây lấy lại thể diện sau 1 năm quá mờ nhạt nhưng không phải là diễn đàn tạo ra phép màu giải quyết mọi vấn đề của thế giới.

Tác động của “nước Anh mới” lên chương trình nghị sự của G7 năm nay

Chương trình nghị sự do Văn phòng Thủ tướng Anh đặt ra dành ưu tiên rất lớn cho việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế chống đại dịch, xây dựng hiệp định toàn cầu về đại dịch, thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu, gỡ bỏ các rào cản thương mại. Có thể nói, sau khi Brexit diễn ra, nước Anh đang từng bước theo đuổi một chính sách đối ngoại và an ninh rất khác so với trước kia. Trong quá khứ, nước Anh thường gắn chặt các ưu tiên đối ngoại và an ninh của mình với chính sách của các chính quyền Mỹ và tương đối thụ động trong việc tham gia các sự vụ quốc tế, nhất là so với nước Pháp láng giềng tại châu Âu. Tuy nhiên, từ vài năm qua, chính quyền của đảng Bảo thủ tại Anh giương cao khẩu hiệu “nước Anh toàn cầu” với tham vọng mở rộng giao thương, ký kết các Hiệp định tự do thương mại với các đối tác trên toàn thế giới.

Về mặt an ninh, Anh cũng tuyên bố nước này là một cường quốc toàn cầu, thông qua kế hoạch cải tổ quốc phòng lớn nhất từ sau Thế chiến II, xây dựng hải quân mạnh nhất châu Âu, hạ thủy tàu sân bay và sẽ sớm điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có cả Biển Đông. Cuối tháng 1/2021, Anh cũng chính thức gửi đơn xin gia nhập CPTPP - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, dù về mặt địa lý, nước Anh hoàn toàn không liên quan gì đến vành đai Thái Bình Dương.

Vì thế, chương trình nghị sự G7 năm nay cũng phản ánh đúng ưu tiên của Anh, đó là chủ động thúc đẩy và đưa ra các sáng kiến toàn cầu, thể hiện hình ảnh của một nước Anh mới, toàn cầu hơn, táo bạo hơn sau khi rời khỏi EU. Đó là mục đích lâu dài nhưng trước mắt, đó cũng là các động thái để xoa dịu và che đậy những bất cập, yếu kém trong nước. Đến thời điểm này của đại dịch, Anh là nước tổn thất nghiêm trọng nhất châu Âu, có số người thiệt mạng cao nhất châu Âu, cao thứ 5 thế giới (gần 120.000 người). Kinh tế Anh suy giảm mạnh nhất trong gần 3 thế kỷ. Ngoài ra, mặc dù Brexit mới chính thức có hiệu lực được hơn 2 tháng nhưng các bất cập đã lộ ra quá nhiều, từ việc trao đổi thương mại với EU bị đình trệ và suy giảm nghiêm trọng, đến tranh cãi gay gắt với EU về việc mua vaccine.

Tham vọng của Anh trong việc sớm ký kết các hiệp định tự do thương mại với các đối tác lớn cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Hiệp định với Mỹ được dự báo sẽ vô cùng khó khăn và bất lợi. Hiệp định với Ấn Độ ì ạch còn tham vọng ký kết với Trung Quốc coi như tan biến sau căng thẳng chính trị-ngoại giao nghiêm trọng chưa từng có giữa hai nước trong năm 2020 liên quan đến các vấn đề Hong Kong và Tân Cương.

Tất cả những điều này đều thể hiện qua các ưu tiên mà nước Anh muốn bàn thảo trong năm 2021, không chỉ trong khuôn khổ G7 mà còn tại cả Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết